Bé Indrianti sống với gia đình ở thị trấn Gowa (Indonesia). Những bất thường đầu tiên xuất hiện vào ngày 14.11. Lúc đó, Indrianti đang chơi đùa với các bạn thì bỗng cảm thấy đau đầu, theo World Of Buzz.
Những người bạn đã yêu cầu Indrianti về nhà nghỉ ngơi và cô bé đã làm theo. Đến tối, cô bé vẫn đi ngủ bình thường. Nhưng khi sáng thức dậy, thị lực mắt trái bé Indrianti bỗng bị suy giảm nghiêm trọng và không còn thấy gì.
“Ban đầu, tình trạng này chỉ xuất hiện ở mắt trái, sau đó bắt đầu lan qua mắt phải. Bác sĩ nói là mắt trái bị nặng hơn mắt phải”, bà của Indrianti cho biết.
Bố mẹ Indrianti cho rằng tình trạng này là hệ quả của việc dùng điện thoại quá nhiều. Vì dịch Covid-19, cô bé Indrianti phải học trực tuyến. Việc này khiến em tiếp xúc quá nhiều với điện thoại.
Tiếp xúc liên tục với màn hình điện thoại đã tác động tiêu cực đến thị lực của Indrianti. Mặc dù hiện vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục nhưng một số nghiên cứu cho rằng ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại thông minh và máy tính có thể làm suy giảm thị lực, gây tổn hại đến các tế bào nhạy cảm với ánh sáng trong mắt đối với những người tiếp xúc quá nhiều. Điều này có thể làm tăng tốc quá trình thoái hóa điểm vàng cũng như phát triển các bệnh về mắt khác, theo World Of Buzz.
Sử dụng điện thoại và máy tính trong thời gian dài sẽ gây mỏi mắt. Nếu không được chăm sóc đúng cách, thị lực có thể suy giảm.
Để bảo vệ mắt, các chuyên gia khuyến cáo cần phải chớp mắt thường xuyên để giữ ẩm mắt, cứ mỗi 20 phút thì nên nghỉ mắt một lần. Màn hình điện thoại, máy tính được đặt ở vị trí không có nguồn ánh sáng khác phản chiếu làm chói mắt. Ngoài ra, màn hình cần đặt thấp hơn tầm mắt trong khoảng 17 đến 25 cm.
Bình luận (0)