Ngày 30.6, bác sĩ Võ Hòa Khánh, Trưởng Phòng quản lý chất lượng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận điều trị cho bệnh nhi M.T.S (13 tuổi, ngụ Ninh Phước, Ninh Thuận) bị hoại tử mu bàn chân phải, mất da lộ xương, nhiễm trùng xương. Nguyên nhân do bị rắn cắn.
Do vết thương khá phức tạp, các bác sĩ đã phẫu thuật cắt lọc mô, cắt lọc xương hoại tử đã biến màu vàng, chăm sóc vết thương.
Bước tiếp theo các bác sĩ sẽ xoay vạt da để phủ phần da, mô bị mất.
Mẹ bệnh nhi cho biết, cách đây 4 tuần bé đi đưa cơm cho bà ngoại. Gần tới nhà bà thì bé bị rắn cắn, không rõ loại rắn gì. Bé nhanh trí lấy dây cột chỗ vết thương, khi đến nhà bà thì được bà nặn, hút nọc độc.
Sau đó gia đình đưa bé đi đắp thuốc nam.
Một tuần trước nhập viện da bé bắt đầu sưng tấy nên gia đình đưa đi Bệnh viện tỉnh Ninh Thuận, sau đó chuyển vào Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình.
Theo bác sĩ Khánh, vết thương hoại tử của bé hiện không rõ là do rắn cắn hay do đắp thuốc nam.
Bác sĩ khuyến cáo, khi bị rắn cắn, nên cho nạn nhân nằm yên, trấn an họ; đặt nơi bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc; rửa sạch vết thương bằng xà bông và nước, phủ lên vết cắn bằng gạc mát để giảm đau, sưng; băng thun hoặc vải sạch lên vết thương và phía trên vết thương; nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để nơi đây xác định loại rắn cắn và chích huyết thanh kháng nọc phù hợp.
Đặc biệt lưu lý là không được nặn, hút và đắp lá cây không rõ loại lên vết thương vì có thể gây hoại tử nhiễm trùng.
Bình luận (0)