Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thị Như Thảo (Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM), cho biết người nhà cho biết khi bé ngáp xong thì không ngậm miệng lại được, cũng không uống được nước.
Bác sĩ thăm khám, phát hiện bé bị trật khớp thái dương - hàm hai bên. Bé được điều trị cấp cứu nắn chỉnh đưa lồi cầu về vị trí chức năng bình thường và băng cố định cằm đầu theo dõi trong vòng 1 giờ.
Theo bác sĩ Thảo, khớp thái dương - hàm nối hàm dưới với hộp sọ. Chúng ta có thể cảm nhận khớp thái dương hàm và chuyển động của chúng bằng cách đặt ngón tay trực tiếp trước tai và mở miệng. Những gì đang cảm nhận là các đầu tròn của hàm dưới khi chúng lướt dọc theo ổ khớp của xương thái dương.
Trật khớp thái dương - hàm là sự mất tương quan giải phẫu bình thường giữa lồi cầu xương hàm dưới và lồi khớp xương thái dương. Nếu không điều trị kịp thời dễ dẫn đến cứng khớp, giãn dây chằng không hồi phục.
Khi bệnh tiến triển nặng sẽ gây nguy hại cho khớp thái dương hàm: tổn thương khớp thái dương - hàm, làm nhuyễn sụn khớp, rồi thoái hóa và có thể dẫn đến dính khớp thái dương - hàm. Khi đó các đầu khớp bắt đầu thoái hóa gây dính giữa đĩa khớp với các đầu xương, có thể dẫn đến thủng đĩa khớp.
Vì vậy, khi phụ huynh khi phát hiện trẻ không ngậm miệng được sau ngáp, há lớn, khóc… cần đưa trẻ đến bệnh viện có chuyên khoa Răng Hàm Mặt để được khám và điều trị kịp thời.
Bình luận (0)