Bé gái ói ra máu liên tục, vì sao?

12/07/2018 17:09 GMT+7

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng hồng cầu trong máu chỉ còn 25%.

Ngày 12.7, BV Nhi đồng 1 TP.HCM thông tin về trường hợp bệnh nhi N.T.N.L (13 tuổi, ngụ Long An) nhập viện do ói ra máu, hồng cầu chỉ còn 25%.
[VIDEO] 8 tiếng phẫu thuật "bắc cầu" cứu bé gái bị tắc tĩnh mạch
Thạc sĩ, bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc BV Nhi đồng 1, cho biết 1 năm rưỡi trước, bệnh nhi L. đã nhập vào BV Nhi đồng 1 do mắc u vùng đầu tụy. Khối u này đã khiến việc phẫu thuật rất khó khăn vì chỗ nó mọc là nơi tập trung ống tụy, đường mật, đường tiêu hóa và các mạch máu lớn. BV đã cắt khối u và tái lập lưu thống đường tiêu hóa, đường mật và tụy.
Tuy nhiên, 2 tuần trước, bệnh nhân trở lại BV Nhi đồng 1 trong tình trạng ói ra máu, hồng cầu còn 25%.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Chí, Trưởng Khoa siêu âm - chẩn đoán hình ảnh, BV Nhi đồng 1, cho biết kết quả siêu âm, CT scanner phát hiện bệnh nhi bị tắc tĩnh mạch hệ cửa (máu toàn bộ từ đường tiêu hóa từ dạ dày, ruột non, ruột già… đi về hệ cửa đến gan, nếu bị ứ nơi nào sẽ gây xuất huyết nơi đó) hay còn gọi là hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa do biến chứng của cuộc phẫu thuật cắt u đầu tụy lần trước gây ra huyết khối. Ca phẫu thuật trước cũng đã làm một số bộ phận cơ thể bị biến đổi so với ban đầu, nên lần này việc phẫu thuật cứu bé sẽ càng gây khó khăn hơn, nếu gây tổn thương thêm sẽ cực kỳ nguy hiểm.
Nhiều tình huống được đặt ra nhưng phương án giải quyết tắc tĩnh mạch cửa bằng một đoạn tĩnh mạch khác bắc cầu qua đoạn bị tắc được chọn (còn được gọi là phương pháp phẫu thuật nối cửa - cửa, tức tĩnh mạch của hệ cửa nối vào tĩnh mạch hệ cửa).
Ê kíp phẫu thuật đã lấy một đoạn tĩnh mạch cảnh trong vùng cổ bên phải của bệnh nhi để bắt cầu vượt qua đoạn bị tắc đến tĩnh mạch gan. Đoạn tĩnh mạch này dài khoảng 10 cm. Ca phẫu thuật kéo dài 8 tiếng đồng hồ. Sau khi khâu nối xong thì máu đã lưu thông qua. Kiểm tra sau 24 giờ phẫu thuật thì lưu lượng máu đổ về gan rất tốt, không còn bị tắc nghẽn nữa.
Bác sĩ Hiếu cho biết, kỹ thuật phẫu thuật nối cửa - cửa BV Nhi đồng 1 - nơi đầu tiên thực hiện trong lĩnh vực nhi.
Bệnh lý tắc tĩnh mạch cửa ngoài gan ngày càng gặp nhiều do những bệnh lý sơ sinh được làm các thủ thuật xâm lấn (bệnh lý tăng đông, viêm tụy cấp, viêm tụy hoại tử), dùng tĩnh mạch rốn để hồi sức nên có nguy cơ làm tắc tĩnh mạch cửa sau này do cục máu đông; ngoài ra còn có một số trẻ có nguy cơ bẩm sinh nhưng chưa biểu hiện lúc sơ sinh.

Thường bệnh lý tắc tĩnh mạch cửa nếu không được phát sớm thì khi trẻ 5-7 tuổi sẽ được phát hiện do đau bụng, lách to, ói ra máu, thiếu máu - giảm tiểu cầu… hoặc bệnh lý cường lách làm cho bệnh nhân ói ra máu và nhập viện.

Việc ói ra máu là do giãn, vỡ tĩnh mạch thực quản do máu không về gan được, thậm chí có thể giãn vỡ tĩnh mạch tá tràng, trực tràng gây xuất huyết. Ngoài ra, do máu không về gan tốt thì ảnh hưởng đến sự phát triển, suy dinh dưỡng, là nguyên nhân xuất hiện những khối u sau này.

Những trẻ đã được phẫu thuật sơ sinh có dùng tĩnh mạch vùng rốn, hay nhiễm trùng rốn, ổ bụng; trẻ mắc bệnh lý tăng đông thì cần tầm soát sớm, phát hiện huyết khối để xử lý.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Chí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.