Sản phụ mắc sốt xuất huyết ở tuần 25, bé sinh non
Sau 2 tháng 20 ngày được chăm sóc tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM bé đã tăng lên 2,9kg, nhanh nhẹn, khỏe mạnh, bú giỏi.
Hai vợ chồng chị N.M kết hôn 3 năm chưa có con. Bé gái là kết quả của quá trình điều trị IVF, dự sinh vào nửa đầu tháng 2.2023. Tuy nhiên, khi thai 25 tuần, chị M. nhiễm sốt xuất huyết.
Tại Trung tâm Sản phụ khoa, người mẹ có nguy cơ xuất huyết, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, tiểu cầu hạ thấp…, nên được bù dịch điều trị sốt xuất huyết. Sau 5 ngày nằm viện, tình trạng bệnh cải thiện nhưng bắt đầu rỉ ối, cảnh báo chuyển dạ, sinh sớm. Do đó, bác sĩ Sản khoa phối hợp với đơn vị Sơ sinh lên phác đồ điều trị, sẵn sàng phương án đón trẻ chào đời. Chị M. được chỉ định sinh mổ vào sáng 29.10.2022, chấm dứt thai kỳ ở 25 tuần 5 ngày.
TS.BS Đỗ Hữu Thiều Chương, Phó giám đốc Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết bé sinh cực non, chỉ nặng 860g. Trẻ sinh cực non, nhẹ cân, tiềm ẩn nguy cơ suy hô hấp, xuất huyết não, phổi, viêm ruột hoại tử, nhiễm khuẩn, rối loạn đường huyết và vàng da… Mặc dù Trung tâm Sơ sinh đã nuôi dưỡng thành công nhiều trẻ sinh non chào đời với cân nặng thấp hơn nhưng các bác sĩ không chủ quan vì trẻ sinh non có thể tử vong bất kỳ lúc nào do các vấn đề hô hấp, nhiễm khuẩn, dinh dưỡng…
Lên phác đồ "giờ vàng" để nỗ lực cứu sống bé
Để nỗ lực cứu sống bé, Trung tâm Sơ sinh của bệnh viện đã tập trung sử dụng các kỹ thuật, biện pháp hiện đại nhất trong điều trị và chăm sóc để hạn chế nguy cơ cho trẻ sinh non và cực non như: Phác đồ “giờ vàng”, hồi sức sơ sinh ngay trong phòng sinh, chống suy hô hấp, bơm sufatan, thở CPAP, oxy, chống tắc nghẽn đường thở; lồng ấp cách ly môi trường, giữ ấm; chống nhiễm trùng nhiều tầng; nuôi dưỡng tĩnh mạch sớm, áp dụng Kangaroo, kỹ thuật vô trùng; cân bằng nước điện giải, đường máu,…
Bé được chăm sóc trong lồng ấp sơ sinh hiện đại |
bvcc |
Nhờ phác đồ “giờ vàng”, trẻ chào đời cực non tháng không chỉ được cứu sống kịp thời mà giảm thiểu các nguy cơ biến chứng, di chứng có thể gặp phải như: suy hô hấp, viêm phổi, hoại tử ruột, nhiễm trùng máu, huyết áp thấp; chậm phát triển, kém phát triển về thị giác, thính giác, bại não, xuất huyết não, hội chứng đột tử trẻ sơ sinh.
Bé gái chào đời nhỏ bé, yếu ớt, suy hô hấp, phải đặt máy thở, suy dinh dưỡng nặng, nên việc chăm sóc, nuôi ăn qua đường tĩnh mạch, lấy ven vô cùng khó khăn bởi đường ven của bé cực non rất nhỏ và dễ vỡ.
Bệnh nhi được nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn trong 3 ngày đầu sau sinh. Sau đó, được bổ sung sữa mẹ song song với dinh dưỡng qua sonde. Lượng ăn của bé từ 2 ml sữa/cữ bú rồi tăng dần đều. Đến ngày 8.1.2023, bé tự bú mẹ hoàn toàn, mỗi ngày bú được 500ml sữa mẹ.
Trước xuất viện, bé được tiến hành sàng lọc toàn diện sau sinh bao gồm các chức năng vận động, tim mạch, hô hấp, thính lực, thị lực, tiêu hóa… bởi bác sĩ nhi sơ sinh và các bác sĩ chuyên khoa ngay trong bệnh viện.
Các kết quả sàng lọc cho thấy sức khỏe bé tốt, được xuất viện về nhà sớm kịp đón Tết làm cho gia đình rất vui mừng.
Bình luận (0)