Bé gái 15 tuổi (ngụ tại Kiên Giang) bị cong vẹo cột sống từ 4 năm trước, với một vùng cong, độ cong ban đầu là 60 độ.
Tuy nhiên, nhiều năm qua bệnh nhân chỉ điều trị bằng hình thức nẹp nắn chỉnh và không đạt hiệu quả. Đến khi bé bị khó thở, đau lưng nhiều, ngồi lâu không được thì gia đình mới đưa bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM).
Chiều 5.1, giáo sư - bác sĩ Võ Văn Thành, Cố vấn Đơn vị Cột sống, Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM), cho biết: Bệnh nhân bệnh nhân bị vẹo cột sống hội chứng marfan. Kết quả hình ảnh cho thấy, cột sống của bệnh nhân lúc này đã có đến 3 vùng cong uốn lượn. Vùng 1 cong 46 độ, vùng 2 cong 110 độ và vùng 3 cong 70 độ.
Bên cạnh đó, bệnh nhân còn kèm theo triệu chứng tim mạch. Mạch đập của bệnh nhân lên đến 150 lần/phút, gấp đôi so với thông thường, kèm theo tình trạng suy dinh dưỡng nặng, bệnh nhân chỉ còn 36 kg.
Các bác sĩ đã phải mất 9 tháng để điều trị ổn định tim mạch, bổ sung dinh dưỡng và tập phục hồi chức năng thở cho bệnh nhân để bệnh nhân có đủ điều kiện sức khỏe làm phẫu thuật.
Sau đó, các bác sĩ đã mổ nắn chỉnh cột sống cho bệnh nhân, với 21 ốc chân cung và hàn xương cố định bằng 2 thanh nối dọc và 2 thanh nối ngang. Ca mổ kéo dài gần 7 giờ với sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều chuyên gia.
Sau phẫu thuật, đường cong cột sống của bệnh nhân đã được nắn chỉnh hơn 60%, vùng cong nặng nhất từ 110 độ xuống còn khoảng 40 độ. Chiều cao của bệnh nhân theo đó cũng tăng lên được 7 cm.
Hiện tại (5.1), sau 10 ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã ngồi dậy và đi lại được.
Bác sĩ Thành nhận định, trong trường hợp bệnh nhân không được phẫu thuật để nắn chỉnh cột sống thì tiên lượng nguy cơ khó sống qua tuổi 30.
Giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Võ Văn Thành cho biết: Theo y văn thế giới, hội chứng Marfan có tỉ lệ 1/5.000 người mắc. Đây là hội chứng bẩm sinh do rối loạn về gien gây ra. Bệnh thường gặp nhiều nhất ở trẻ em nữ, độ tuổi từ 13-15 tuổi.
Hội chứng Marfan là một dạng bệnh do mô liên kết bị lỏng khiến ngón tay, ngón chân dài và trông yếu ớt; cột sống bị vẹo. Các cơ quan như mắt, thần kinh, hệ xương và hệ tim mạch bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Nếu được phát hiện sớm, có thể điều trị bằng cách nẹp hoặc tìm phương pháp phù hợp. Ở các nước phát triển, việc đeo dụng cụ nẹp cho người bệnh từ 20 - 40 độ có thể tránh tới 80 - 90% phải phẫu thuật về sau.
Trường hợp góc vẹo đã trên 40 độ, nếu không mổ sớm bệnh sẽ càng ngày càng nặng thêm, đường cong uốn lượn ở cột sống kéo dài lên ngực ảnh hưởng đến đường hô hấp, chèn ép các cơ quan, nguy hiểm tính mạng.
|
Bình luận (0)