Bé Linh không tay học xuất sắc, viết chữ cực đẹp với ước mơ làm cô giáo

18/10/2018 09:32 GMT+7

Không có tay nhưng bé Nguyễn Thị Như Linh (8 tuổi, H.Mỹ Đức, TP. Hà Nội) không ngừng cố gắng để theo đuổi ước mơ làm cô giáo. Linh dùng chân viết chữ rất đẹp, làm việc nhà sành sỏi và là một học sinh xuất sắc.

'Sao tay con không dài như mẹ?'

Trong một buổi sáng nắng gắt, tôi men theo con đường quanh co, đầy ổ gà, tìm đến nhà em Linh ở thôn Chung, xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức). Đó là một căn nhà nhỏ, nhưng đóng cửa từ sớm. Người dân ở đây cho biết, cứ vào cuối tuần, cả bố mẹ Linh đều đi buôn bán kiếm sống và gửi Linh sang nhà ngoại trông nom. 

[VIDEO] Cô bé viết chữ bằng chân ước mơ làm cô giáo dạy mỹ thuật

Tìm đến nhà ông bà ngoại của Linh, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là  một cô bé với thân hình mảnh khảnh, đang tung tăng chơi bịt mắt, bắt dê với bạn ngoài sân. Ánh mắt Linh trong veo, nụ cười tỏa sáng, chân chạy lon ton nô đùa thỏa thích. Chỉ buồn rằng em không thể nắm tay bạn bằng chính đôi tay của mình.

Hai mẹ con Linh trong căn nhà hiện tại MAI LIÊN
Linh còn nhỏ, nhưng em muốn giúp bố mẹ làm được nhiều việc hơn nữa MAI LIÊN
Nhắc đến con, chị Nguyễn Thị Nương (29 tuổi, mẹ của bé Linh) bùi ngùi chia sẻ, chị và anh Nguyễn Văn Tuấn (32 tuổi) lấy nhau về giữa cái đói vẫn còn đang đeo bám. Khi biết tin có con, vợ chồng chị vui mừng, hồi hộp đếm từng ngày con sẽ chào đời. Nhưng niềm vui ấy chẳng được bao lâu thì chị nhận được tin từ bác sĩ, con chị sinh ra sẽ thiếu mất đôi tay.

Chị Nương cho biết thêm, kể từ ngày có con cũng là thời gian khó khăn nhất của vợ chồng chị. Chị Nương phải ở nhà trông con, còn anh Tuấn một mình bươn trải, mưu sinh để có tiền lo thuốc thang cho con. Vì Linh không chỉ bị dị tật bẩm sinh, mà khi sinh ra sức khỏe của em cũng rất yếu, phải uống thuốc triền miên. Vậy nên, dù đã 8 tuổi, nhưng em chỉ nặng vỏn vẹn 14kg.

“Ngày bé Linh tập lẫy cũng là chuỗi ngày khó nhất với em. Khi lẫy, Linh không có tay để chống, nếu không có người đỡ là ngã dúi mặt xuống, trầy xước mặt mũi. Còn khi Linh ngồi, mình luôn ngồi đằng sau con để giữ. Lúc Linh đi đứng, mình phải lấy một cái ghế nhựa làm điểm tựa cho con”, chị Nương kể lại.

Những bộ quần áo được gấp gọn gàng bằng chính đôi chân của Linh MAI LIÊN

Lớn lên, Linh dần ý thức được sự khiếm khuyết đôi tay của mình, không ít lần em hỏi mẹ: “Mẹ ơi, sao mẹ có tay dài mà con không có tay dài như mẹ?”. Nghe con hỏi, chị Nương lại nghẹn ngào, thương cho đứa con bé bỏng của mình.

“Trong giấc mơ, mình trông thấy con có hai bàn tay như bao đứa trẻ khác. Lúc đó mình còn đếm ngón tay con, mình sung sướng, hạnh phúc lắm. Tự nhiên mình lại nói, ơ con gái có 10 ngón tay. Nhưng sau khi tỉnh dậy, mình mới biết đó không phải là thật mà chỉ là mơ. Mình cứ nằm mơ như thế suốt”, chị Nương trầm giọng.

Ước mơ làm cô giáo dạy mỹ thuật

Em không có đôi tay, đến lớp bị các bạn trêu và em hay mặc cảm vì mình không viết được bằng đôi tay như các bạn khác. Nhưng không vì lý do đó mà em bỏ cuộc, từ bỏ ước mơ làm cô giáo dạy mỹ thuật.

 Là người dìu dắt, theo dõi con từng ngày, chị Nương cho hay, Linh bắt đầu tập viết bằng những viên phấn, mỗi lần tập viết, kẽ chân của Linh sẽ đỏ hửng lên. Nhưng em vẫn cố gắng tập viết, uốn nắn từng chữ tới khi đẹp, ngay ngắn mới thôi. Lên lớp một, lớp hai, em viết bằng bút mực thì đôi chân lại càng bị tra tấn, sự cọ sát của bút vào chân khiến em càng đau và cảm thấy rất khó chịu. Kẽ chân của em càng rộng ra hơn và em không thể đi thăng bằng bằng cả bàn chân.

“Vì viết bằng chân nên em hay bị mỏi, có những lúc em bị ốm đến nỗi không cả ăn được. Nhiều lần thấy con cực vì viết nhiều, mình lại có ý định viết hộ con cho xong. Có hôm đi học về, vừa về tới nhà Linh kêu mỏi chân và nhờ mẹ bóp chân cho. Mặc dù rất nhọc khi viết nhưng em không bao giờ muốn nghỉ học”, chị Nương xoa đầu Linh lòng đầy tự hào.

Bà Nguyễn Thị Nghi (58 tuổI, bà ngoại Linh) kể: “Với sự nỗ lực không ngừng ngày đêm rèn chữ, Linh viết chữ rất đẹp. Các bạn cùng trang lứa viết bằng tay còn phải rèn giũa nhiều nhưng có khi vẫn chưa đúng nét, còn nghệch ngoạc. Tất cả công việc cá nhân Linh đều tự làm mà không cần sự giúp đỡ của ai cả”.

Dù phải viết bằng chân rất cực nhọc, nhưng từng nét chữ em viết đều đẹp và thắng tắp MAI LIÊN
Những dòng chữ này, người lạ nhìn vào khó có thể tin là được viết bằng chân MAI LIÊN

 


Bà ngoại Linh kể tiếp, ngón chân của Linh điều khiển chiếc bút trên mặt giấy rất nhẹ nhàng và mềm mại. Có hôm cả lớp về hết rồi nhưng Linh vẫn cứ ngồi cần mẫn viết xong mới về. Sữa và bánh mẹ chuẩn bị để ăn sáng tới khi tan học em vẫn chưa kịp ăn.

 

“Có những lúc thấy con mệt, mình trêu hay là mẹ cho con nghỉ học nhé. Rồi Linh lại hoảng, con chỉ thấy mỏi chân thôi, nhưng con thích đi học, con không nghỉ đâu, mẹ đừng cho con nghỉ nhé”, mẹ bé Linh tâm sự. Mẹ Linh chia sẻ thêm, trong lớp em chỉ sợ thua kém các bạn, các bạn học được gì thì em phải làm được cái đó.

Tôi hỏi sở thích và ước mơ của Linh là gì? Với ánh mắt trong trẻo, hồn nhiên, em nhìn tôi trả lời: “Em thích vẽ và ước mơ của em là trở thành cô giáo dạy mỹ thuật”.

Những tấm giấy khen lưu lại sự cố gắng trong học tập của cô bé MAI LIÊN

Bà Ngoại Linh cho hay, ngoài việc đi học, em Linh còn giúp đỡ mẹ được nhiều việc bằng đôi chân của mình. Khi đi học về em quét nhà cho mẹ. Những quần áo khô của gia đình em đều tự gấp. Dạo này, Linh bắt đầu tập đi xe đạp, dù bị ngã và bị trầy xước môi nhưng em vẫn nhất định không từ bỏ.

Cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên trường Tiểu học Thượng Lâm, giáo viên chủ Nhiệm em Linh), chia sẻ: “Trong lớp học Linh rất ngoan, luôn luôn nỗ lực hết mình, em đã được trường và huyện tặng giấy khen học sinh xuất sắc vượt khó học giỏi. Mong rằng xã hội sẽ tạo điều kiện giúp Linh có thể vượt qua được khó khăn và phát huy tài năng của mình”.

Bác của em Linh ngồi giở từng trang vở của cháu mình và nói: “Linh rất ngoan, viết chữ rất đẹp, những người viết bằng tay nhưng viết còn xấu, nghệch ngoạc. Chị em mình chưa chắc đã viết được đẹp như thế này”.

Tôi đã đọc ở đâu đó rằng, càng sống trong nghịch cảnh, con người ta càng trở nên mạnh mẽ và kiên cường. Thay vì ngồi thóc thầm trong bóng đêm, Linh đã tự thắp sáng cho cuộc đời mình bằng một ngọn nến của sự hy vọng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.