|
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, trong kỳ họp kéo dài 1 tháng rưỡi này, ĐBQH đã thảo luận, ghi nhận những nỗ lực trong điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ để đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi đà tăng trưởng, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững… cho dù, theo ông, còn tồn tại những yếu kém trong công tác điều hành đó: kinh tế phục hồi chưa vững chắc, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng chậm, xử lý nợ xấu chậm, nợ công tăng nhanh, tổng cầu của nền kinh tế còn yếu.
|
“Việc làm, đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; tệ nạn xã hội, tội phạm, tai nạn giao thông, tình trạng ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp và khá nghiêm trọng…”, là những lưu ý của ĐBQH, theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Chính phủ cần cố gắng xử lý tốt hơn trong thời gian tới.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng: Việc lấy phiếu tín nhiệm (LPTN) lần 2 với 50 chức danh lãnh đạo chủ chốt do QH bầu, phê chuẩn tại kỳ họp này đã “phản ánh chân thực tình hình đất nước, phản ánh tình hình thực hiện nhiệm vụ lập pháp, hành pháp, tư pháp của nhà nước cũng như của từng chức danh được lấy phiếu”.
Chủ tịch QH cũng đưa ra đánh giá, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ trong kỳ họp này đạt kết quả tốt, tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực được người dân quan tâm. “QH đã yêu cầu các thành viên Chính phủ thực hiện có kết quả những cam kết, những điều đã hứa trước QH và cử tri cả nước và thúc các cơ quan tiếp tục có giải pháp tích cực giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri”, ông nói.
Tại cuộc họp báo bế mạc kỳ họp, trả lời câu hỏi của Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH cho rằng, một trong những kết quả lớn nhất của kỳ họp QH này là đã sửa đổi một loạt các dự án luật quan trọng về kinh tế: luật Doanh nghiệp (sửa đổi), luật Đầu tư (sửa đổi), luật Quản lý vốn đầu tư nhà nước vào sản xuất, kinh doanh…“Đây là những cải cách lớn, đột phá về thể chế kinh tế để thúc đẩy kinh doanh, đầu tư. Chúng ta đã chuyển đổi tư duy từ việc kinh doanh theo pháp luật quy định sang việc tự do kinh doanh bất kể lĩnh vực nào trừ 6 lĩnh vực cấm kinh doanh: ma túy, buôn bán người, mại dâm… trong các luật mới. Điều này theo tôi, sẽ đem lại những thay đổi mang tính cách mạng trong kinh doanh”, ông Phúc nói.
Theo ông Phúc, tuy luật Đầu tư (sửa đổi) ban hành có quy định 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng điều kiện kinh doanh, theo luật này thực tế đã giảm đi nhiều và minh bạch hơn với các tiêu chí rất cụ thể. “Luật cũng đã ban hành các phụ lục kèm theo, các bộ, ngành, địa phương sẽ không được phép ban hành thêm bất cứ điều kiện kinh doanh nào ngoài các phụ lục này”, ông cho biết.
Trả lời về các câu hỏi của báo chí về tình trạng tại kỳ họp này, ĐBQH vắng mặt nhiều ở các phiên họp, kể cả phiên bỏ phiếu thông qua các dự án luật, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng QH cho biết QH chỉ có 25% ĐB chuyên trách nên nhiều ĐB do còn phải kiêm nhiệm công việc khác nên không tránh khỏi có lúc vắng mặt để về địa phương, bộ, ngành mình phụ trách triển khai những công việc gấp, quan trọng. “Có thể nhiều cử tri không hài lòng nhưng có những vấn đề chúng ta cũng phải mong cử tri thông cảm”, ông nói.
Cuối 2015 phải đưa tỷ lệ nợ xấu dưới 3% Cùng ngày, QH cũng đã thông qua nghị quyết về tái cơ cấu (TCC) nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng với 459 phiếu tán thành (chiếm 92,35% tổng số ĐBQH). Đã có khá nhiều ý kiến ĐBQH góp ý về các giải pháp cho TCC nền kinh tế trong từng lĩnh vực cụ thể đã được UBTVQH tiếp thu. Ví dụ, trong nhóm giải pháp 1, ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến ĐB, trong đó ghi rõ mốc thời gian là đến cuối năm 2015 bảo đảm cơ bản hoàn thành cơ cấu lại nền kinh tế. Có ý kiến đề nghị Chính phủ có các giải pháp đồng bộ để huy động nguồn lực của xã hội cùng tham gia vào quá trình TCC; bổ sung tăng đầu tư công cho các ngành có liên quan trực tiếp đến con người như giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, xây dựng nông thôn mới; có ý kiến đề nghị quá trình TCC kinh tế phải gắn với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; có ý kiến đề nghị quá trình TCC nền kinh tế phải đồng bộ với phát triển thị trường lao động, cân đối cung cầu lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao năng suất lao động nhằm đảm bảo tiền lương trong dài hạn cho người lao động. UBTVQH đã bổ sung các đề nghị này vào nhóm giải pháp thứ 2 của nghị quyết. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ 6 trong nghị quyết được thông qua cũng đã bổ sung, tiếp thu ý kiến đề nghị của ĐBQH về việc sử dụng nguồn vốn thu được từ cổ phần hóa phải do QH phê duyệt - một khuyết thiếu trong chính sách hiện hành. Nhóm giải pháp này cũng đã bổ sung quy định theo ý kiến ĐB để kiểm soát tốt tình hình nợ của các DNNN như giải pháp giảm gánh nặng nợ công; tăng cường giám sát tài chính và hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, giải quyết vấn đề lao động dôi dư. Nghị quyết cũng có quy định rõ hơn việc hoàn thiện cơ chế đại diện chủ sở hữu nhà nước phải theo hướng tách chức năng quản lý hành chính nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Nghị quyết này cũng tiếp thu ý kiến của ĐB bổ sung cho nhóm giải pháp thứ 7 về TCC kinh tế. Theo đó, QH nêu chủ trương cuối năm 2015, Chính phủ phải điều hành đưa tỷ lệ nợ xấu dưới 3% và vấn đề sở hữu chéo ở các tổ chức tín dụng phải xử lý xong cơ bản vào cuối năm 2015. Nghị quyết cũng bổ sung lưu ý của ĐBQH: cơ quan chức năng nhà nước thận trọng, xem xét kỹ các hệ lụy nhiều mặt khi xử lý hình sự các vi phạm trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. |
Mạnh Quân
>> Truyền hình trực tuyến: Bế mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13
>> Cử tri TP.HCM kiến nghị Quốc hội điều gì tại kỳ họp thứ 8 ?
>> Toàn văn báo cáo do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại kỳ họp Quốc hội
>> ĐB Trần Du Lịch: 'Đường đi 30-40 km/giờ thì đi đường đất chứ làm đường nhựa làm gì
Bình luận (0)