Ngay sau văn bản khẩn của UBND TP.HCM, sáng 27.7, ông Nguyễn Việt Linh, Giám đốc truyền thông BeGroup cho biết ứng dụng gọi xe Be tạm ngưng cung cấp dịch vụ giao hàng và đi chợ hộ tại TP.HCM từ 10 giờ ngày 27.7.
Động thái này nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho quý khách hàng và tài xế, sau khi tiếp tục cân nhắc các tình huống một cách thận trọng nhất. Dự kiến, thời gian tạm ngưng kéo dài tới ngày 1.8 hoặc đến khi có thông báo mới. Như vậy, tính đến 10 giờ hôm nay, ứng dụng gọi xe Be đã tạm ngưng cung cấp tất cả dịch vụ tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM để phòng chống dịch. Bên cạnh đó, Be Group đang tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để có thể triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho đội ngũ tài xế công nghệ trong thời gian sớm nhất.
Trong khi đó, trao đổi với Thanh Niên, đại diện hãng xe Gojek Việt Nam cho biết trước mắt vẫn sẽ tiếp tục duy trì dịch vụ giao nhận hàng hóa và đi chợ hộ tại TP.HCM. Gojek đã gửi danh sách shipper để Sở Công thương xác nhận. Hiện nay, phía công ty gấp rút triển khai làm bảng tên có thẻ cứng và băng đeo tay nhận diện theo đúng yêu cầu mới nhất từ phía chính quyền thành phố.
"Khó khăn lớn nhất hiện nay là chi phí test Covid-19 cho các tài xế. Giấy xác nhận âm tính chỉ có giá trị trong vòng 3 ngày, mỗi lần test nhanh mất khoảng 200.000 đồng, 1 tuần trung bình doanh nghiệp phải chi trả 600.000 đồng cho 1 tài xế. Cộng thêm chi phí chuẩn bị cho các điều kiện thông hành, số tiền không hề nhỏ. Thực tế có nhiều tài xế thấy khó khăn quá họ cũng chủ động tự tắt app, không hoạt động nữa" - vị này nói.
Tương tự, phía Grab thông tin ban lãnh đạo công ty đang làm việc chặt chẽ với cơ quan chức năng để có phương án hoạt động theo hướng đảm bảo tuân thủ các quy định phòng, chống dịch, đồng thời đáp ứng được nhu cầu giao nhận hàng thiết yếu, giúp người dân yên tâm ở nhà trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Theo văn bản mới ban hành chiều 26.7, UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị cung ứng dịch vụ shipper thực hiện ngay việc rà soát đội ngũ nhân viên giao hàng của đơn vị và điều chỉnh giảm 10% số lượng nhân viên so với trước thời điểm thực hiện Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Thành ủy. Ngoài các giải pháp nhận diện như hiện nay (thông qua đồng phục, thùng hàng, logo doanh nghiệp, giấy thông hành của doanh nghiệp cấp cho shipper, ứng dụng quản lý đơn hàng...), các đơn vị chủ động triển khai ngay việc làm bảng tên thẻ cứng có hình, xác nhận của công ty cho từng shipper và ứng dụng công nghệ nhận diện shipper thông qua mã QR Code. Bảng tên phải hiển thị đầy đủ các thông tin về shipper, phương tiện; địa chỉ: công ty, nơi cư trú của shipper, giao hàng; người đặt hàng; lộ trình vận chuyển hàng hóa thiết yếu; chi tiết hàng hóa thiết yếu được vận chuyển... Đồng thời thực hiện băng đeo tay nền xanh đậm, kích thước ống đeo cao 20 cm, in chữ “Shipper” màu trắng.
Ngoài ra, mỗi shipper chỉ được hoạt động trên địa bàn một quận, huyện, TP.Thủ Đức. Riêng đối với các đơn vị không quản lý bằng ứng dụng công nghệ (nhân viên giao hàng của các siêu thị...): các đơn vị cung ứng dịch vụ thực hiện quản lý theo các biện pháp yêu cầu nêu trên và tập hợp đăng ký danh sách shipper gửi Sở Công thương xác nhận.
Bình luận (0)