'Bệ phóng' cho Khánh Hòa phát triển

23/06/2024 07:07 GMT+7

Chưa đầy 2 năm qua, tỉnh Khánh Hòa đón nhận tin vui khi nhiều quy hoạch trọng điểm của tỉnh lần lượt được phê duyệt, đáp ứng được những trăn trở của lãnh đạo địa phương và mong mỏi của nhân dân thời gian qua.

Nhiều chuyên gia nhận định, sau những quy hoạch được duyệt, tỉnh Khánh Hòa có thêm những "bệ phóng" vững chắc để phát triển lên tầm cao mới.

Niềm vui nhân lên

Tháng 3.2023, Khánh Hòa đón nhận cùng lúc 2 tin vui khi Thủ tướng ban hành các quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Một năm sau, niềm vui đó được nhân lên khi một số quy hoạch rất quan trọng của tỉnh tiếp tục được phê duyệt.

'Bệ phóng' cho Khánh Hòa phát triển- Ảnh 1.

Khu vực bắc Vân Phong của tỉnh Khánh Hòa được định hình phát triển các đô thị tổng hợp trong tương lai

Văn Ngọc

Ngày 29.3.2023, Thủ tướng ban hành Quyết định 318 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này xác định mục tiêu đến năm 2030 đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc T.Ư.

Ngày 27.3.2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 298 phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, với 19 phân khu chức năng phủ kín toàn bộ diện tích khoảng 70.000 ha đất liền và đảo. Đến nay, 19 quy hoạch phân khu đã và đang được triển khai lập quy hoạch. Đây là những tín hiệu tích cực, có ý nghĩa quan trọng tạo động lực để Khu kinh tế Vân Phong phát triển bứt phá theo đúng tinh thần Nghị quyết số 09 đã chỉ ra.

Mới đây nhất, ngày 2.4, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã trao quyết định của Thủ tướng về Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Nha Trang đến năm 2040 cho tỉnh Khánh Hòa. Đây là sự kiện quan trọng, tạo ra động lực mới để TP.Nha Trang - đô thị hạt nhân của tỉnh - thực hiện khát vọng phát triển vươn tầm, góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tháng 4 cũng là dịp TP.Nha Trang kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển (1924 - 2024), 15 năm Nha Trang được công nhận là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Khánh Hòa (2009 - 2024).

Tầm vóc mới cho Nha Trang

Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Nha Trang, quy mô lập quy hoạch có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 26.736 ha, trong đó có hơn 1.300 ha từ địa phận H.Diên Khánh. Nha Trang được định hướng phát triển thương hiệu thành phố du lịch nghỉ dưỡng biển đối với quốc gia và quốc tế, thông qua nâng cấp chất lượng không gian và du lịch đô thị, hấp dẫn các nhà đầu tư du lịch đẳng cấp quốc tế, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khai thác bền vững tài nguyên du lịch hiện có, với nét nổi bật đặc hữu là chuỗi không gian ven biển, không gian đảo và không gian sinh thái.

'Bệ phóng' cho Khánh Hòa phát triển- Ảnh 2.

Khu vực biển Khánh Hòa có nhiều dư địa để phát triển hệ thống cảng biển

Đồng thời, đầu tư mới và tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối (cảng biển, các khu kho vận, đường sắt, bến xe đầu mối) và các tuyến giao thông trọng yếu; hoàn thiện và nâng cấp hệ thống hạ tầng xã hội - kỹ thuật đô thị. Từ đó, tiến tới nâng cao vị thế thương hiệu quốc tế thành phố du lịch nghỉ dưỡng biển, bước đầu trở thành một thành phố thương mại tài chính tầm vóc quốc gia và khu vực Đông Nam Á.

Quy hoạch cũng sẽ cụ thể hóa mục tiêu, định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị và Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP.Nha Trang là đô thị hạt nhân, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò một cực tăng trưởng quan trọng, cửa ngõ hội nhập quốc tế của tỉnh Khánh Hòa.

Quy hoạch cũng chỉ rõ, Nha Trang sẽ là trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo và y tế của vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây nguyên; là trung tâm hành chính chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Khánh Hòa; trung tâm du lịch, thương mại - tài chính, dịch vụ cảng biển du lịch của vùng Nam Trung bộ và cả nước; đô thị du lịch biển đảo quốc gia và quốc tế. Dự báo quy mô dân số đến năm 2030, Nha Trang có khoảng 630.000 người; đến năm 2040 có hơn 750.000 người. Về quy mô đất đai, đến năm 2030, đất xây dựng toàn đô thị khoảng 9.981 ha.

Theo ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Khánh Hòa, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Nha Trang đến năm 2040 là một món quà vô cùng ý nghĩa, đánh dấu cột mốc quan trọng, mở ra một tầm nhìn mới, một hướng đi mới cho Nha Trang nói riêng, tỉnh Khánh Hòa nói chung. Với quy hoạch được thông qua, TP.Nha Trang sẽ có thêm nhiều điều kiện thuận lợi, có nền tảng vững chắc để trở thành thành phố phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, đưa tỉnh Khánh Hòa trở thành một tiêu chuẩn mới về chất lượng sống, làm việc và du lịch.

Những điểm mở trong không gian phát triển

Theo đánh giá, quy hoạch điều chỉnh Nha Trang lần này có nhiều điểm mới, nhất là việc mở ra nhiều không gian, hình thái phát triển đô thị mang tính đặc thù. Hướng phát triển đô thị được mở rộng không gian xây dựng về phía bắc, tây bắc, phía tây, phía nam; phía đông hướng ra biển ở khu vực xã Vĩnh Lương, Phước Đồng và trên các đảo. Trong đó, hướng phát triển trên khu vực biển, đảo thuộc vịnh Nha Trang và biển ven bờ xã Vĩnh Lương có tổng diện tích khoảng 3.848 ha, dân số dự kiến khoảng 10.000 người.

'Bệ phóng' cho Khánh Hòa phát triển- Ảnh 3.

TP.Nha Trang là đô thị hướng biển sầm uất

Tại các núi như Hòn Rớ, Chín Khúc, Cô Tiên, khu vực các xã Vĩnh Thái, Vĩnh Phương và trên vùng núi phía tây QL1 thuộc xã Vĩnh Lương được quy hoạch các khu công viên chuyên đề, sân golf (khoảng 776 ha). Ngoài ra, định hướng phát triển các phân vùng đô thị của thành phố gồm 14 khu vực, với các định hướng quy hoạch chính về quy mô, diện tích, dân số, tính chất, chức năng…

Đáng chú ý, quy hoạch xây dựng công trình điểm nhấn cao tầng được thực hiện ở khu vực ven biển, dọc sông Cái, xung quanh các quảng trường, công viên công cộng cấp đô thị, các khu vực trung tâm đô thị tại phía nam đường Phong Châu, trên đảo Hòn Tre, khu vực dọc trục đường Võ Nguyên Giáp, khu vực sân bay Nha Trang cũ...

Về hệ thống công viên, cảnh quan, không gian công cộng sẽ được tổ chức theo hệ thống không gian mở, bám sát hệ thống mặt nước biển, sông Cái, sông Quán Trường, sông Tắc, hồ Vĩnh Hòa, hồ Lỗ Lương, hồ Đắc Lộc... gắn với hệ thống công viên, quảng trường công cộng ven biển, ven sông, trên vùng núi, trong vùng đồng trũng, trong các khu đô thị…, tạo bản sắc và nâng cao giá trị cho không gian xây dựng, không gian phát triển đô thị.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho hay Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Nha Trang được tỉnh căn cứ vào các cơ sở chính trị, khoa học thực tiễn vững chắc; đồng thời thể hiện nguyên tắc "không hợp thức hóa các sai phạm" của tỉnh; không thực hiện cơ chế "xin", "cho"; áp dụng công bằng, minh bạch cho tất cả các dự án, doanh nghiệp.

"Đồ án có thể ảnh hưởng đến một số dự án đầu tư đã được thỏa thuận trước đây, ảnh hưởng đến một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, tỉnh đã cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố "được" và "mất", tính kế thừa và phát triển mới, ý kiến của đại đa số người dân về một TP.Nha Trang văn minh, hiện đại trong tương lai", ông Tuân nhấn mạnh.

'Bệ phóng' cho Khánh Hòa phát triển- Ảnh 4.

TP.Nha Trang sẽ có những phát triển đột phá dọc sông Cái và các nhánh sông này

Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị đã xác định Nha Trang là đô thị hạt nhân cùng với chuỗi đô thị Vân Phong, Cam Lâm, Cam Ranh sẽ định hình, góp phần đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc T.Ư, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung bộ, Tây nguyên và cả nước về kinh tế biển trong tương lai.

"Quỹ đất phát triển đô thị của Nha Trang đã trên 70%, thành phố cần tận dụng tối đa quỹ đất, chỉnh trang các khu đô thị, làm sao phải có một đô thị bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Diện tích đất phát triển đô thị không còn nhiều, nên Nha Trang phải đảm bảo quỹ đất cho không gian xanh, văn hóa, giáo dục, y tế, công cộng, hệ thống an sinh đồng bộ cho mọi người dân; sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai", Phó thủ tướng lưu ý.

Kỳ vọng một đại đô thị phía nam Khánh Hòa

Ngày 2.3.2024, tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ công bố Quyết định số 205/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm (Khánh Hòa) đến năm 2045. Đây được xem là bước ngoặt lớn trong việc phát triển một đại đô thị mang tầm vóc quốc tế ở phía nam tỉnh Khánh Hòa, gắn kết với các dải đô thị đã và đang hình thành nằm trong khu vực biển bắc bán đảo Cam Ranh (thường gọi là Bãi Dài).

Theo đó, khu vực quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính H.Cam Lâm, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 54.719,4 ha, không bao gồm diện tích đầm Thủy Triều. Mục tiêu là xây dựng và phát triển Cam Lâm trở thành cực tăng trưởng phía nam tỉnh Khánh Hòa và vùng Nam Trung bộ, góp phần sớm đưa Khánh Hòa lên thành phố trực thuộc T.Ư. Đồng thời, tại đây phát triển đô thị sân bay hiện đại, sinh thái đẳng cấp quốc tế; trọng điểm dịch vụ du lịch biển, logistics; dịch vụ tài chính - trí tuệ và đổi mới sáng tạo toàn cầu…

Quy hoạch xác định, đô thị mới Cam Lâm được phát triển theo 4 trục động lực, gồm:

1. Trục hành lang cao tốc Bắc - Nam: Liên kết cảng Cam Ranh, sân bay Cam Ranh với hệ thống giao thông - hạ tầng quốc gia; trọng tâm phát triển các đầu mối trung chuyển, dịch vụ kho bãi, dịch vụ vận tải thông minh đa phương tiện.

2. Trục ven biển Bãi Dài: Liên kết từ sân bay Cam Ranh đến TP.Nha Trang; trọng tâm phát triển dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí biển đảo.

3. Trục cảnh quan nước: Liên kết không gian nước từ vịnh Cam Ranh, qua đầm Thủy Triều đến sông Trường, suối Cầu, suối Cát...; trọng tâm bảo vệ nguồn nước, duy trì bền vững cấu trúc hệ thống thủy văn, phát triển đa dạng sinh học, xây dựng cảnh quan xanh hấp dẫn mang đặc trưng bản địa, gìn giữ vệ sinh môi trường, phát triển mô hình "đô thị du thuyền".

4. Trục trung tâm đô thị: Từ cửa ngõ đô thị đến trung tâm khu vực Bãi Dài, trọng tâm phát triển tập trung các chức năng mũi nhọn cấp vùng và cấp đô thị.

Ngoài ra, đô thị mới Cam Lâm phát triển theo hướng tập trung, hình thành các khu trung tâm mới, gồm: khu trung tâm tổng hợp cấp vùng tại TT.Cam Đức, gắn với trục trung tâm đô thị, phát triển mới trung tâm hành chính - chính trị cấp đô thị; trung tâm tài chính - thương mại - dịch vụ, không gian giao lưu văn hóa quốc tế; trung tâm đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo cấp vùng, phối hợp với khu đô thị hỗn hợp mật độ cao.

Đối với không gian ven biển: Hành lang bảo vệ bờ biển Bãi Dài được bảo tồn theo quy định. Không gian bãi biển ưu tiên khai thác phục vụ mục đích công cộng, đảm bảo quyền tiếp cận của cộng đồng. Xây dựng tuyến đường dạo ven biển kết hợp hành lang kỹ thuật. Phát triển dải ven biển trên nguyên tắc đảm bảo chỉ giới xây dựng, đường giới hạn chiều cao xây dựng hài hòa với cảnh quan tự nhiên được xác định tại quy hoạch phân khu.

Đối với đầm Thủy Triều: Bảo tồn mạng lưới sông suối dẫn nước đến đầm; nghiên cứu triển khai giải pháp tổng thể nhằm nâng cao chất lượng môi trường nước toàn lưu vực. Cải tạo chu vi đầm Thủy Triều, bố trí dải công viên đường dạo công cộng xung quanh mặt nước. Phát triển đô thị ven đầm theo mô hình "đô thị du thuyền", dịch vụ giải trí kết hợp cải thiện mặt nước tự nhiên và nhân tạo. Xây dựng kênh Thủy Triều gắn với bến du thuyền quốc tế tại bờ biển Bãi Dài, với chức năng kết nối giao thông thủy giữa đầm Thủy Triều và Biển Đông, tạo hình ảnh mang tính thương hiệu cho đô thị du lịch.

Nhiều chuyên gia về quy hoạch đánh giá, sau khi đô thị mới Cam Lâm hoàn thiện, đây sẽ là điểm nhấn rất quan trọng giúp tỉnh Khánh Hòa có các bước phát triển về mọi mặt, nhất là kiến trúc đô thị, hàng loạt loại hình mới sẽ có ở đây. Hơn hết, các quy hoạch này hướng đến việc không gây ra xáo trộn quy luật của hệ sinh thái hiện hữu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.