Ngày 22.12.2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW (NQ57) về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KH-CN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Trả lời Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy nhận định NQ57 như một mũi nhọn có tính đột phá, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, để giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, nguồn lực đầu tư của toàn xã hội cho KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Thể hiện nhiều nhận thức mới, quan điểm mới
Đây không phải là lần đầu tiên T.Ư ban hành nghị quyết về phát triển KH-CN, nhưng với NQ57 thì có thể thấy sự đón nhận hồ hởi của giới KH-CN. Theo ông vì sao có sự lạc quan đó?
Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy: Theo tôi, chúng ta có căn cứ để lạc quan bởi NQ57 đã thể hiện được những nhận thức, những quan điểm mới của Bộ Chính trị về phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (sau đây gọi chung là KH-CN). Ví dụ quan điểm đầu tư cho KH-CN được xác định là đầu tư lâu dài, không phải đầu tư ngắn hạn. Đã đầu tư lâu dài là chấp nhận rủi ro, là chấp nhận độ trễ, không phải cứ đầu tư xong là sau đó thu hồi vốn được ngay. Chúng ta đặt vấn đề tạo cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, chấp nhận rủi ro trong khoa học, trong thử nghiệm công nghệ mới. Đây là vấn đề rất mới, đặc biệt trong thời đại chuyển đổi số.
Một quan điểm quan trọng khác của NQ57 là xác định đầu tư cho KH-CN là bắt buộc trong giai đoạn hiện nay, để đưa VN thành đất nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030; thành đất nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Rồi những quan điểm liên quan tới việc thúc đẩy hợp tác công - tư, hợp tác giữa trường ĐH, viện nghiên cứu công lập với doanh nghiệp; kêu gọi các nguồn lực, giải phóng nguồn lực đầu tư của xã hội, của doanh nghiệp cho hạ tầng số, hạ tầng viễn thông, hạ tầng nghiên cứu phát triển…
Một quan điểm khác rất theo kịp thời đại hiện nay để bắt kịp xu thế phát triển của thế giới về KH-CN: coi dữ liệu là một nguồn tài nguyên mới, dữ liệu là nguồn tư liệu sản xuất mới; chuyển đổi số là đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, là để đổi mới lực lượng sản xuất. NQ57 còn chỉ ra được những điểm nghẽn về thể chế khi mà chưa thu hút được nhân tài, các chuyên gia chất lượng cao trong và ngoài nước. Rồi yêu cầu tháo nút điểm nghẽn vấn đề pháp luật về đầu tư công, mua sắm công, sở hữu trí tuệ các kết quả nghiên cứu từ các đề tài nghiên cứu được tài trợ bởi ngân sách nhà nước.
Rất nhiều quan điểm mới khác đã được thể hiện trong NQ57. Nhưng điều khiến giới KH-CN vui mừng đón nhận NQ57 hơn cả chính là tính hành động của nghị quyết rất cao. Tính hành động đó thể hiện ở các yêu cầu rà soát, tái cơ cấu hệ thống, tổ chức KH-CN công lập; sáp nhập giải thể những tổ chức yếu kém, hoạt động chưa hiệu quả, để đầu tư có trọng tâm trọng điểm. Điểm nhấn trong tính hành động của NQ57 là yêu cầu xây dựng và triển khai công nghệ chiến lược, ở các yêu cầu liên quan tới phát triển hạ tầng số, hạ tầng viễn thông, phủ sóng 5G, phát triển công nghệ về trí tuệ nhân tạo, IoT (internet vạn vật)... Tính hành động của NQ57 rất rõ ràng, rất quyết liệt.
NQ57 có ý nghĩa như một lời hiệu triệu tất cả các lực lượng, từ cán bộ quản lý nhà nước đến nhà khoa học, những người làm về công nghệ, đến doanh nghiệp… đều phải tự nhìn nhận lại mình, phải tự thay đổi để đáp ứng yêu cầu của đất nước trong tình hình mới.
Phải thay đổi tốc độ làm việc
Nhưng bản thân một nghị quyết không thể là "chiếc đũa thần kỳ" nếu như các chỉ đạo trong nghị quyết không được triển khai đầy đủ trong thực tế. Trong khi đó, từ trước đến nay không phải chỉ đạo nào của Đảng, Nhà nước cũng đều được thực thi như kỳ vọng. Ông nghĩ sao?
Đúng vậy, việc Bộ Chính trị ban hành NQ57 là một khởi đầu đáng mừng. Tuy nhiên thách thức đặt ra trước mắt rất lớn, rất nhiều. Đầu tiên là làm thế nào để nghị quyết đi vào cuộc sống. Thứ hai là về tốc độ, thời gian triển khai nghị quyết. Chúng ta sống trong một thời đại mà thế giới phát triển rất nhanh. Nếu không triển khai nghị quyết nhanh chóng thì nội dung của nó sẽ nhanh chóng trở nên lạc hậu. Thách thức thứ ba là làm sao triển khai rộng rãi đến toàn dân, toàn xã hội.
Giải pháp cho những thách thức trên là gì, thưa ông?
Để giải quyết được những thách thức trên, trước hết đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước phải thay đổi tác phong làm việc, làm việc với tốc độ cao hơn thì mới có giải pháp mới nhanh chóng cụ thể hóa được các yêu cầu của nghị quyết thành thể chế. Không thể như cách trước đây, tức là chúng ta sửa luật, sửa nghị định, sửa thông tư theo năm. Tốc độ bây giờ phải theo tháng. Việc triển khai các dự án, đề án thì trước đây có thể theo tháng thì bây giờ phải theo tuần. Giải quyết thách thức, đầu tiên là câu chuyện của từng cán bộ, từng cấp ủy đảng.
Tinh thần của nghị quyết phải được quán triệt và thành hành động cụ thể đối với mọi cán bộ quản lý, mọi đảng viên, mọi cấp ủy, sau đó là với mọi doanh nghiệp, với mọi thành viên trong giới KH-CN. Nếu chỉ triển khai ở một vài bộ phận hay triển khai ở một vài địa bàn thì không tạo ra sự lan tỏa. Tính hành động trong NQ57 mang tính cách mạng, cách mạng là phải đồng loạt, với tốc độ rất cao, để tạo ra những thay đổi đột biến.
Muốn tạo ra cuộc cách mạng thì mọi cá nhân đều phải thay đổi cách thức làm việc. Thay đổi dựa trên nền tảng chuyển đổi số, làm việc dựa trên dữ liệu, làm việc với các hệ thống tự động hóa, hệ thống trí tuệ nhân tạo; cần những kỹ năng mới như kỹ năng về tích lũy dữ liệu, phân tích dữ liệu…
Chuyển đổi số có thể hiểu nôm na là ứng dụng công nghệ số cộng với đổi mới sáng tạo. Ứng dụng công nghệ số là phát triển KH-CN, phát triển nền tảng hạ tầng… Là thay đổi về phương thức quản lý, về cách thức - quy trình làm việc. Chúng ta không thể có một hệ thống chính phủ điện tử nếu không đơn giản hóa thủ tục hành chính. Nếu thủ tục hành chính vẫn rườm rà, vẫn qua rất nhiều khâu, mỗi bộ, ngành, mỗi cục, vụ ai cũng giữ phần phải tham gia của mình, không phân cấp phân quyền, thì không có hệ thống CNTT nào đáp ứng được.
Nhiều lợi thế
Nhưng chúng ta cũng có những lợi thế nhất định trong việc triển khai NQ57 chứ?
Hiển nhiên là chúng ta có nhiều lợi thế. Lợi thế rõ nhất là thể chế hệ thống chính trị của chúng ta. Theo NQ57, Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Bộ Chính trị sẽ chủ trì triển khai nghị quyết này vào ngày 13.1 tại Hội trường Diên Hồng. Với sự quan tâm đặc biệt này của Bộ Chính trị dành cho phát triển KH-CN, cả hệ thống chính trị sẽ được quán triệt tinh thần của nghị quyết và vào cuộc với tính trách nhiệm cao nhất.
Nhưng chúng ta còn nhiều lợi thế khác nữa. Đó là vị thế hiện nay của VN trên trường quốc tế. VN đã ký 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới với những cam kết sâu rộng và toàn diện, có cơ chế thực thi chặt chẽ hơn; và khi có hiệu lực tác động rất mạnh tới tốc độ tăng trưởng phát triển kinh tế và thể chế của VN.
Hiện nay chúng ta có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước; có quan hệ kinh tế với hơn 230 quốc gia, vùng lãnh thổ. Có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 9 quốc gia. Vị thế này là một lợi thế cho chúng ta khi triển khai NQ57.
Lợi thế thứ ba là chúng ta có nguồn nhân lực hùng hậu, có nền tảng về các ngành CNTT, về toán, về kỹ thuật. Những yếu tố này tạo thuận lợi lớn cho phát triển KH-CN, đặc biệt là công nghệ số giai đoạn hiện nay. Lợi thế tiếp theo là chúng ta có thị trường lớn, là "bà đỡ" cho các sản phẩm KH-CN, sản phẩm về chuyển đổi số. Cuối cùng là lợi thế về địa chính trị của chúng ta trong khu vực, khiến cho việc kết nối giao lưu được thuận lợi, tạo tiền đề cho phát triển.
Hiện nay, việc đẩy mạnh phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số vẫn thực hiện theo Nghị quyết số 20-NQ/TW, Kết luận số 69-KL/TW và Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đây là những chỉ đạo có tính chất toàn diện, tổng thể. Còn NQ57 tập trung vào các điểm nghẽn trong thể chế và đưa ra quan điểm, cơ chế để giải quyết những bất cập lâu nay trong phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Lần đầu tiên, KH-CN cùng với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được đặt lên ở vị trí "là đột phá quan trọng hàng đầu. KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là ba trụ cột chính để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy
Các mục tiêu tại NQ57
Đến năm 2030
- VN thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo; trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà VN có lợi thế. Tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến.
- Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%; tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt tối thiểu 50%. Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80%; giao dịch không dùng tiền mặt đạt 80%. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 40% trong tổng số doanh nghiệp.
- Kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP, trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%. Bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển.
Nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt 12 người trên một vạn dân; có từ 40 - 50 tổ chức KH-CN được xếp hạng khu vực và thế giới; số lượng công bố khoa học quốc tế tăng trung bình 10%/năm; số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 - 18%/năm, tỷ lệ khai thác thương mại đạt 8 - 10%.
- Hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại ngang tầm các nước tiên tiến; từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược, công nghệ số như: trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, bán dẫn, công nghệ lượng tử, nano, thông tin di động 5G, 6G, thông tin vệ tinh…
Phủ sóng 5G toàn quốc. Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh đối với các thành phố trực thuộc T.Ư và một số tỉnh, thành phố có đủ điều kiện. Thu hút thêm ít nhất 3 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại VN.
- Phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, công nghiệp văn hóa số đạt mức cao của thế giới.
Đến năm 2045:
- VN có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
- Tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số tương đương các nước phát triển. Tối thiểu có 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến.
- Thu hút thêm ít nhất 5 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại VN.
Lê Hiệp
Bình luận (0)