Bế tắc lối ra cho ngao ế Thái Bình

06/12/2013 11:29 GMT+7

Sau khi báo Thanh Niên đăng bài “Ngao mất mùa còn hạ giá” phản ánh hàng vạn tấn ngao tại Thái Bình ế đọng, chiều 4.12, UBND tỉnh Thái Bình đã đối thoại với người dân nuôi ngao tại H.Tiền Hải, nhưng vẫn chưa tìm ra lối thoát cho tình trạng này.

 
Những bãi ngao của H.Tiền Hải phơi nắng chờ khách - Ảnh Hoàng Long

Gọi là hội nghị đối thoại để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người nuôi ngao, nhưng trong gần 50 đại biểu tham dự, chỉ có 3 người nuôi ngao và 1 chủ doanh nghiệp chế biến ngao; cũng chỉ có 10 phút cho vấn đề tìm thị trường tiêu thụ với đáp án rất xa vời.

Theo Phó giám đốc Sở Công thương kiêm Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại Thái Bình Trần Thế Định, để tiêu thụ ngao, “trong thời gian tới cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân hiểu giá trị dinh dưỡng, hình thành thói quen ăn ngao. Nếu đạt được điều này thì số lượng ngao tiêu thụ ngay tại Thái Bình, cho 2 triệu dân nội tỉnh đã rất khả quan”.

Để minh chứng cho điều này, ông Định mô tả các món ngao xào, ngao hấp, ngao kho… và cho rằng, cần phải tuyên truyền rõ cho người dân là có rất nhiều cách để chế biến ngao. Đồng thời, ông Định đề nghị UBND tỉnh tổ chức giới thiệu, quảng bá hình ảnh con ngao Thái Bình ở thị trường các tỉnh phía Bắc, vì cho rằng hiện nay tỉnh mới tổ chức giới thiệu ngao ở một số chợ đầu mối, trung tâm thương mại tại Hà Nội. "Giải pháp tháo gỡ” này khiến các đại biểu, nhất là các hộ nuôi ngao, ngán ngẩm. Một cán bộ xã H.Tiền Hải nói: “Đợi đến lúc tuyên truyền, vận động được thì ngao chết hết rồi, lấy đâu ra nữa mà chế biến”.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Bình (NHNN Thái Bình), đến cuối tháng 9.2013, có 1.752 doanh nghiệp, hộ gia đình vay vốn nuôi ngao với dư nợ cho vay đạt 457,6 tỉ đồng, trong đó, 97,4% là của các hộ nuôi ngao tại H.Tiền Hải. Ngân hàng Công thương có dư nợ lớn nhất, với 278,5 tỉ đồng, tiếp đến là Ngân hàng NN-PTNT (152,3 tỉ đồng), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (14,4 tỉ đồng). Đại diện các doanh nghiệp, hộ nuôi ngao và chính quyền các xã đều đề nghị các ngân hàng kéo dài thời hạn cho vay từ 1 năm lên 2-3 năm, hỗ trợ lãi suất để khắc phục khó khăn hiện nay. Đặc biệt là cần nới lỏng thủ tục đối với hộ nuôi ngao chưa hoàn thiện giấy tờ về đất đai.

Tuy nhiên, trả lời vấn đề này tại hội nghị, ông Đinh Ngọc Thạch, Giám đốc NHNN Thái Bình khẳng định: đến nay các ngân hàng đã thực hiện đúng các quy định về cho mức cho vay, thời hạn vay và hỗ trợ lãi suất cho người nuôi ngao. Nếu muốn được vay tiếp, hộ nuôi ngao phải chấp hành đầy đủ thủ tục chứ “không thể cứ có khó khăn là đổ lỗi cho ngân hàng".

Có mặt tại H.Tiền Hải trước khi diễn ra hội nghị này, PV ghi nhận sự mong mỏi của các hộ nuôi ngao ở cả huyện này là bán được ngao. Tại xã Nam Cường có khoảng 100 ha nuôi ngao, mỗi ngày hiện nay chỉ bán được vài tấn. Ước tính số lượng ngao đã tới thời kỳ thu hoạch còn tới trên 1.000 tấn. Tại xã Nam Thịnh, nơi diện tích nuôi ngao lớn nhất H.Tiền Hải, bà Trần Thị Thủy, một chủ hộ nuôi ngao than thở: đầu vụ mỗi ngày còn bán được 20-30 tấn, đến nay chỉ khoảng 10 tấn/ngày. Cùng xã, anh Trần Văn Hải rầu rĩ nói: Nam Thịnh hiện có hơn 400 hộ nuôi ngao, với lượng ngao tồn đọng hơn 10.000 tấn. Nếu sau 1,2 tháng nữa không bán được thì ngao trong vây sẽ chen nhau mà chết, lứa ngao này coi như mất trắng.

Hoàng Long

>> Đời cào nghêu
>> Đi cào nghêu... dưỡng sinh  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.