Bé trai 18 tháng tuổi tử vong sau khi ngã vào lu nước

13/12/2024 17:31 GMT+7

Trong lúc ở nhà cùng anh trai 12 tuổi, bé trai 18 tháng tuổi (ngụ Tây Ninh) không may ngã vào lu nước. Người nhà phát hiện vụ việc liền đưa bé đi cấp cứu nhưng đã không qua khỏi.

Ngày 13.12, bác sĩ Đinh Tấn Phương (Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM), cho biết bé trai được người nhà đưa vào bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, nhịp tim rời rạc. Các bác sĩ hồi sức hơn 40 phút nhưng tim vẫn không đập lại.

Theo chia sẻ của người nhà, bé ở nhà với anh trai 12 tuổi, ba mẹ đi làm, sau khi anh ngủ dậy thì phát hiện đầu bé nằm bên trong lu nước. Anh trai đưa bé ra và gọi dì ở gần nhà sang hỗ trợ, xốc nước rồi đưa đi cấp cứu. Bé được đưa đến bệnh viện cách nhà khoảng 3 km cấp cứu, sau đó, bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1.

Theo bác sĩ Phương, khả năng lu nước thấp và không đầy, nên trẻ khom lưng cúi xuống và bị ngã vào trong lu. Đây là điều phụ huynh cần chú ý, vì thời gian qua, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiếp nhận một số trường hợp trẻ gặp tai nạn sinh hoạt khi ngã vào các vật chứa nước gây ngạt nước.

ngã vào lu nước, bé trai tử vong

Các bác sĩ đã hồi sức tích cực, tuy nhiên bé đã không qua khỏi

Ảnh minh họa: D.T

Điển hình, trước đó, vào tháng 5.2023, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng tiếp nhận trường hợp bé trai 3 tuổi (ngụ Long An), ngã chúi đầu vào xô đựng nước. Người nhà phát hiện thì bé đã ngưng tim, ngưng thở, được đưa vào viện điều trị tích cực nhưng không qua khỏi.

Từ các trường hợp trên, bác sĩ Phương khuyến cáo phụ huynh tuyệt đối không để lu nước ở nhà, đặc biệt là nhà có trẻ đang độ tuổi tập bò, tập đi, nếu có lu nước thì phải tìm cách che chắn để ở nơi trẻ không tới được, quan sát theo dõi trẻ kỹ. Đặc biệt nếu nhà có ao hồ xung quanh thì càng phải chú ý.

"Trong trường hợp không may bị đuối nước, nếu trẻ ngưng tim ngưng thở thì cần hồi sức tim phổi thay vì sốc nước. Bởi việc thiếu oxy chỉ trong 10 phút đã có thể gây biến chứng lên não và nguy hiểm đến trẻ", bác sĩ Phương khuyến cáo.

Cách sơ cứu nạn nhân ngạt nước

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) hướng dẫn, đầu tiên cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước đến nơi khô ráo, thoáng khí. Nếu nạn nhân bất tỉnh, hãy kiểm tra xem nạn nhân còn thở hay không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực.

Nếu lồng ngực không di động tức là nạn nhân ngưng thở, hãy tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt trong 2 phút theo tỷ lệ 15:2, tức 15 lần ấn tim và 2 lần thổi ngạt nếu có 2 cấp cứu viên; hoặc 30:2, tức 30 lần ấn tim, 2 lần thổi ngạt, nếu chỉ có 1 cấp cứu viên. Sau đó xem nạn nhân có thở lại được không, nếu không phải tiếp tục các động tác cấp cứu này ngay cả trên đường chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế.

Nếu nạn nhân còn tự thở, hãy đặt nạn nhân ở tư thế an toàn là nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra ngoài nếu nạn nhân nôn ói. Cởi bỏ quần áo ướt và giữ ấm bằng cách đắp lên người nạn nhân bằng chăn hay một tấm khăn khô.

Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế ngay cả khi nạn nhân có vẻ như bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu, vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau ngạt nước.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.