Chiều nay 25.7, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cho hay, bệnh viện mới tiếp nhận một bé trai 3 tuổi ở Hà Nội nhập viện cấp cứu do bị chó cắn. Theo gia đình, tấn công bé trai là một con chó lai nặng khoảng 40 kg của nhà người quen.
Tại bệnh viện, các bác sĩ nhận định đây là ca cấp cứu phức tạp, có nguy cơ đe dọa tính mạng cháu bé. PGS - TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình và thẩm mỹ (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), cho biết khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ đã tiên lượng và nhận định đây là trường hợp đa vết thương phần mềm phức tạp ở vùng quan trọng, cần được khám, điều trị cấp cứu đa chuyên khoa.
Khi thăm khám, các bác sĩ nhận thấy vết thương do chó cắn nham nhở, nguy cơ gây nhiễm trùng xé toác da; vết thương đi vào vùng trán và góc mắt trong, gây đứt ống tuyến lệ, rách mi mắt, gãy đôi xương hàm, xương gò má.
Vết thương vùng cổ bệnh nhi ngay sát đường đi của động mạch cảnh, nếu vết cắn chỉ thấp hơn 1 - 2 cm sẽ xuyên thẳng động mạch cảnh, đe dọa tính mạng ngay lập tức do gây chảy máu lớn.
Các bác sĩ đã cắt lọc làm sạch vết thương, sử dụng kính hiển vi để tìm ống tuyến lệ chỉ nhỏ khoảng 0,5 mm để khâu nối lại tuyến lệ cho cháu bé. Nếu không xử trí, đứt ống tuyến lệ sẽ khiến bệnh nhi chảy nước mắt liên tục. Ngoài ra, ê kíp sửa chữa xương gò má và góc hàm, đảm bảo cho bệnh nhi chức năng ăn nhai sau này.
Ca phẫu thuật diễn ra trong khoảng 6 tiếng đồng hồ với nỗ lực phục hồi tối đa sức khỏe cho bệnh nhi. Đến chiều nay, 1 tuần sau mổ, các bác sĩ tiên lượng sức khỏe bệnh nhi tương đối thuận lợi, vết thương không sưng tấy đỏ, xương cố định tương đối vững chắc, khuôn mặt không quá biến dạng. Bệnh nhi tiếp tục được theo dõi và điều trị.
Người lớn cần lưu ý khi trông trẻ
Liên quan đến các trường hợp chấn thương do bị chó tấn công, hôm 20.7, các bác sĩ Bệnh viện Tai mũi họng T.Ư (Hà Nội) cũng đã cảnh báo về các ca tai nạn do chó cắn sau khi tiếp nhận các trẻ nhỏ bị chó tấn công gây vết thương nguy hiểm vùng đầu, mặt, cổ.
Theo các bác sĩ, vết thương do chó, mèo cắn, cào dễ bị nhiễm bệnh dại. Bệnh dại khi đã lên cơn thì tỷ lệ tử vong là 100%.
Để phòng tránh nguy cơ chó, mèo cắn, cào, người dân nên chú ý khi nuôi chó, mèo cần tiêm phòng đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông vật nuôi. Chó ra đường phải được đeo rọ mõm.
Các bậc phụ huynh hay người trông trẻ cần hết sức lưu ý, không để trẻ chơi với chó lạ hay chó, mèo lớn, dữ tợn.
Bình luận (0)