Bé trai lọt xuống cọc bê tông sâu 35 m: Địa hình phức tạp, gây khó khăn cho công tác cứu hộ

04/01/2023 06:25 GMT+7

Ngày 3.1, lực lượng cứu hộ tỉnh Đồng Tháp tiếp tục triển khai gấp rút công tác cứu hộ bé trai lọt xuống cọc bê tông sâu 35 m, với hy vọng “phép màu” sẽ đến sau 4 ngày xảy ra tai nạn.

Áp dụng phương án dùng ống vách thép

Phương án dùng máy khoan guồng xoắn để làm giảm độ ma sát của đất và cọc bê tông nơi bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) mắc kẹt, tại công trường thi công dự án cầu Rọc Sen (xã Phú Lợi, H.Thanh Bình, Đồng Tháp) chưa mang lại kết quả. Do đó, lực lượng cứu hộ phải áp dụng phương án đưa ống vách thép đóng bọc bên ngoài cọc bê tông rồi xử lý nạo phần đất trong lồng ống vách thép và buộc dây cáp vào 3 đốt của cọc bê tông để nhổ lên khỏi mặt đất.

Các lực lượng làm việc liên tục để nhanh chóng cứu hộ bé Hạo Nam

Trần Ngọc

Theo đó, từ chiều 2.1 đến rạng sáng 3.1, các ống vách thép và thiết bị hỗ trợ cứu hộ được đưa đến. Đến khoảng 2 giờ sáng 3.1, các ống vách thép đường kính 1,5 m được hàn xong. Chiều dài ống đầu tiên khoảng 22 m được cần cẩu đưa vào vị trí bao trùm cọc bê tông mà bé Hạo Nam mắc kẹt bên trong. Đến gần 5 giờ sáng, ống vách thép đóng vào lòng đất được 17 m.

Có mặt tại hiện trường, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết lực lượng cứu hộ đã dùng máy khoan guồng xoắn làm tơi xốp đất và dùng thiết bị chuyên dụng nạo vét đất bên trong lòng ống vách thép để giảm lực ma sát với cọc bê tông. Đến chiều cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã sử dụng phương pháp khoan guồng xoắn để đưa hết đất đá bên trong ống vách thép ra ngoài. Công tác khoan guồng xoắn sẽ tiếp tục thực hiện đến độ sâu 27 m, sau đó tiến hành tròng cáp vào 3 đoạn ống bê tông. Đơn vị thi công tiếp tục khoan sâu đến cuối đầu cọc, khi không còn ma sát thì nhổ cọc lên.

Hoàn tất cứu nạn bé Hạo Nam rơi xuống cọc bê tông trong sáng 4.1

Lực lượng cứu hộ tiếp tục làm xuyên đêm

Theo ông Đoàn Tấn Bửu, hiện nay quá trình thi công đoạn còn lại đang gặp khó khăn do kết cấu đất chặt. Tuy nhiên, đơn vị thi công vẫn giữ các nhóm, tổ thực hiện xuyên đêm để nhanh chóng cứu hộ cháu bé. Bên cạnh đó, đang nghiên cứu áp dụng phương pháp khoan xoáy nước để hỗ trợ cho việc cứu hộ, cứu nạn nhanh hơn.

“Đến nay, bé đã trải qua 4 ngày trong lòng ống hẹp. Khả năng bé bị đa chấn thương trong môi trường thiếu không khí nên tiên lượng sức khỏe trong tình trạng rất xấu. Đây là vụ tai nạn hy hữu, không ngờ được. Tuy có khó khăn, lúng túng, bất ngờ nhưng tỉnh tìm mọi cách để tiếp cận bé nhằm triển khai các biện pháp cứu hộ”, ông Bửu nói.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (thứ 2 từ phải sang), chỉ đạo công tác cứu hộ vào tối 3.1

TRẦN NGỌC

Ngoài ra, để thực hiện công tác cứu hộ, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tham khảo các chuyên gia để chuẩn bị phương án dự phòng là bơm, xối bằng áp lực nước mạnh ở tầng dưới để phá vỡ, tơi rã đất nhanh hơn. Ngoài ra, các mũi cứu nạn, cứu hộ cũng tính toán đến tình huống xảy ra mưa lớn sẽ sử dụng các biện pháp che chắn, đồng thời áp dụng thoát dẫn tự nhiên và sử dụng máy bơm. Lực lượng công binh của Quân khu 9 cũng đã sẵn sàng bổ sung thêm các thiết bị cưa, cắt chuyên dụng để ngay khi ống được đưa lên mặt đất sẽ sớm can thiệp, xác định vị trí nghi ngờ bé mắc kẹt để cứu hộ.

Bước sang ngày thứ 4, lực lượng cứu hộ tỉnh Đồng Tháp dù đã nỗ lực, gấp rút nhưng vẫn chưa cứu được bé Hạo Nam.

Cứu nạn bé Hạo Nam sáng 4.1: Đã khoan 36 mét dưới lòng đất
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.