Bé trai tử vong vì kẹt cầu trượt ở trường mầm non: Phải có giáo viên giám sát

28/11/2019 19:10 GMT+7

Trong giờ chơi của học sinh phải có giáo viên giám sát, vì các cô không chỉ quan sát an toàn, hỗ trợ kịp thời cho trẻ mà còn là hướng dẫn kỹ năng cho học sinh.

Việc bé trai 3 tuổi ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội tử vong vì kẹt cầu tuột ở trường mầm non như lời cảnh báo về vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ ở trường.

Bà Trần Thị Thanh Huế, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Sóc Sơn, cho biết sự việc xảy ra vào ngày 25.11, tại Trường mầm non Phù Lỗ, Sóc Sơn. Bé trai tên T. (3 tuổi) chơi cầu trượt và bị mắc kẹt vào ô tròn của cầu trượt.
Thời điểm đó, không ai phát hiện ra. Khi cô giáo biết sự việc thì bé đã ở trong tình trạng rất nguy kịch.

Trước vụ việc đau lòng trên, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng với đặc thù của bậc học mầm non là chăm sóc và nuôi dưỡng thì yếu tố an toàn của trẻ luôn đặt lên hàng đầu. Trước mỗi năm học, trong các buổi họp giao ban chuyên môn, Sở luôn nhấn mạnh đến việc các trường phải đảm bảo an toàn cho trẻ.

Thiết bị an toàn mới được đưa vào trường

Bà Diễm Thu cho hay riêng thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, Sở yêu cầu các trường sử dụng theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT, chỉ những thiết bị đảm bảo an toàn mới được phép đưa vào nhà trường.

Thêm vào đó, khi bố trí, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về các yếu tố an toàn như đặt ở vị trí không gần bồn cây, bậc lên xuống và phải có thảm hay cát dưới những đồ chơi vận động…

Song song với đó, bà Thu cũng chỉ đạo, trong giờ chơi của học sinh phải có giáo viên quản lý, vì các cô không chỉ quan sát an toàn, hỗ trợ kịp thời cho trẻ mà còn là hướng dẫn kỹ năng cho học sinh. Đây là yếu tố quan trọng và các trường phải nghiêm túc thực hiện.

Lực lượng bảo vệ cũng tham gia giám sát 

Bà Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường mầm non Vàng Anh (Q.5), cho hay để an toàn cho trẻ thì cần phải cẩn thận từng chi tiết. Để phòng những tình huống có thể gây nguy hiểm cho trẻ thì quản lý cũng như giáo viên phải quán xuyến mọi lúc mọi nơi, khi học trò học, chơi, ăn để kịp thời thay đổi, sửa chữa. Chẳng hạn lan can sử dụng chất liệu và chiều cao phù hợp, tủ đồ dùng phải cố định, thường xuyên kiểm tra, dễ dàng quan sát khi trẻ sử dụng…

Còn ở Trường mầm non Họa Mi 3 (Q.5), bà Nguyễn Bích Thủy, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết bên cạnh những thiết bị hỗ trợ như camera đặt ở các khu vực thì lực lượng bảo vệ của trường tham gia giám sát vào giờ chơi và đưa đón học sinh. Trong các cuộc họp với các bộ phận, ban giám hiệu luôn luôn nhấn mạnh yếu tố an toàn của trẻ trước tiên để từng thành viên đều thấy trách nhiệm của mình mà không phải của riêng ai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.