Bên cần gặp bên muốn

09/11/2012 03:00 GMT+7

Ký kết thỏa thuận triển khai thực hiện hiệp định hợp tác hạt nhân song phương là kết quả quan trọng nhất trong chuyến thăm vừa qua của Thủ tướng Canada Stephen Harper đến Ấn Độ. Thỏa thuận này nối lại hợp tác thực tế giữa hai nước trên lĩnh vực hạt nhân sau gần 40 năm ngưng trệ.

Năm 1974, New Delhi thử bom nguyên tử. Vì thế, Ottawa cho rằng New Delhi đã sử dụng nguyên liệu hạt nhân trong nhà máy điện nguyên tử, do Canada xây dựng ở Ấn Độ, để chế tạo vũ khí hạt nhân. Vì thế, Canada ngừng hợp tác hạt nhân với Ấn Độ từ năm 1976. Đến tháng 6.2010, hai nước đã nối lại hợp tác này sau khi ký hiệp định hợp tác hạt nhân nhưng chưa triển khai thực hiện. Chính vì vậy, thỏa thuận mới ký kết trên mở ra thời kỳ hợp tác mới giữa hai nước trên lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm này.

New Delhi cần những đối tác mạnh về công nghệ hạt nhân như Ottawa để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Ấn Độ cũng như các lợi ích chính trị quân sự và an ninh khác. Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và cả Úc đều đã lần lượt khai phá và chiếm lĩnh thị trường năng lượng và công nghệ hạt nhân ở Ấn Độ. Đối tác càng đa dạng thì Ấn Độ càng dễ chơi con bài đối trọng và càng được lợi. Vì thế, Canada rất phù hợp với suy tính lợi ích chiến lược hiện tại cũng như lâu dài của Ấn Độ. Ngược lại, Canada cũng đang rất muốn chen chân và có phần ở Ấn Độ trên lĩnh vực này. Công nghiệp nguyên tử và xuất khẩu chất liệu hạt nhân là những ngành kinh tế quan trọng của Canada. Vì thế, đây là bên cần gặp được bên muốn.

Thảo Nguyên

>> Ấn Độ sắp mở hộp đêm Playboy đầu tiên
>> Lốc xoáy Nilam tấn công Ấn Độ, 100.000 người mất nhà cửa
>> Ngoại trưởng Ấn Độ S.M. Krishna từ chức
>> Tuyển đại biểu thanh niên ASEAN - Ấn Độ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.