'Bên kia nửa đời ngơ ngác'

17/01/2019 10:46 GMT+7

Sân khấu Hoàng Thái Thanh vừa ra mắt vở Bên kia nửa đời ngơ ngác (tác giả Hoàng Thái Thanh, đạo diễn Ái Như) với một thông điệp tình yêu và sự tha thứ làm khán giả phải bùi ngùi.

Vở Nửa đời ngơ ngác tại sân khấu này đã lên đến 150 suất và câu chuyện tình của anh Nhớ với cô Lê, cô Lý dường như chưa làm khán giả thỏa mãn, vẫn còn những ẩn số giấu kín sau những thù hận, ghen tuông, phân biệt giàu nghèo. Cho nên Hoàng Thái Thanh bèn viết tiếp, dựng tiếp câu chuyện về sau, là Bên kia nửa đời ngơ ngác, để xem số phận của các nhân vật ấy ra sao…
Nhưng lần này anh Nhớ đã chịu quên cô Lê, mà chấp nhận mối tình đơn phương của Út Lý, họ tiến đến hạnh phúc với nhau. Ngược lại, anh Hết lại không chịu buông bỏ hình bóng Út Lý, dù anh đã cưới cô Hoài vì chữ hiếu với cha. Thế là những hờn giận lại nối tiếp nhau trong gia đình anh Hết. Cuối cùng thì anh cũng nhận ra mình ôm hình bắt bóng, bỏ quên hạnh phúc hiện tại và quay về dỗ dành người vợ yêu thương. Cái kết có hậu thật ra ai cũng sẽ đoán được khi xem kịch, bởi có ai lại viết cho những ly tan.
Bên kia nửa đời ngơ ngác
NSƯT Tuyết Thu và Kim Hải trong vở Bên kia nửa đời ngơ ngác Ảnh: H.K
Nhưng người ta xem là xem cách kể chuyện thú vị của Hoàng Thái Thanh, và xem diễn xuất điêu luyện của nghệ sĩ. Ái Như là đạo diễn giỏi về tâm lý, chị bóc tách từng chi tiết nhỏ như sợi tóc trong trái tim người ta, bày hết ra cho khán giả hiểu được chính mình, hiểu cả bạn đời của mình, hiểu cả nỗi lòng cha mẹ. Xem kịch Ái Như là để thấu cảm, chứ không phải để đi tìm cái kết. Như tình yêu, có khi mình rất giống anh Hết, cứ níu kéo, mơ màng. Như cô Hoài, vì ghen mà quậy, vừa đáng thương vừa đáng trách. Như bà Hai, cần sự thông cảm cho bà, vì lòng mẹ nào không muốn gả con về nơi sung sướng. Nhân vật nào cũng cần sự thấu cảm, y như chúng ta ngoài đời, đều có cái lý lẽ riêng, nỗi niềm riêng mà ít ai hiểu được. Xem kịch để bóc tách sự đời, để yêu thương người khác, yêu thương chính mình và cư xử đúng mực hơn.
Tuy nhiên, cũng có vài hạt sạn trong vở này. Chẳng hạn cảnh anh Hết tức vì chuyện anh và cô Lý, tức cha cứ nói này nói nọ, anh khóc lóc, giãy chân đùng đùng y như trẻ con. Thật ra, với bối cảnh là vùng nông thôn, còn mang màu sắc truyền thống, thì nhân vật như anh Hết không thể tự nhiên bày tỏ tâm trạng của mình theo kiểu ấy. Thường thì với bối cảnh như vậy, người dân nông thôn, nhất là đàn ông, sẽ câm nín, hoặc đi nhậu, hoặc buồn bã một cách trầm lặng hơn, không dám thể hiện, rất ngại thể hiện. Người nông thôn càng ngại khi gây điều tiếng, đặc biệt trong hoàn cảnh đã có gia đình. Anh Hết trong vở là ngày nào cũng lê la qua nhà cô Lý, chi tiết này có lẽ không logic.
Nhìn chung, vở kịch sôi động, vui, nhưng màu sắc chủ đạo vẫn là bùi ngùi, tinh tế. Tinh tế nhất là lớp diễn của Tuyết Thu (vai cô Lê) và Kim Hải (anh Nhớ) gặp nhau lần cuối riêng tư để chuẩn bị trở thành chị vợ và em rể. Họ có một chút lưu luyến, một cái nắm tay nhẹ nhàng, những lời trách móc, kể lể, để thỏa lòng sau bao nhiêu hiểu lầm, sau 15 năm xa cách. Phải có một lần thỏa lòng như thế thì người ta mới buông bỏ được. Không được nói, không được trút cạn tâm tư, thì người ta sẽ ôm mãi cái khối uất hờn, hối hận, nhớ thương. Tâm lý con người như dòng nước nếu cứ dồn ứ mãi phía sau bờ đê thì sẽ tức tối, chỉ cần một lối xả cho dòng nước tuôn đi thì áp lực lắng dịu. Và còn khó diễn ở chỗ, nếu quá khách sáo thì không đúng tâm trạng của hai người từng yêu nhau, từng có con với nhau, nhưng nếu quá thân mật, thì sẽ có lỗi với gia đình. Diễn chừng mực và tinh tế không làm khó được NSƯT Tuyết Thu, chỉ ngại cho nam diễn viên trẻ Kim Hải bị thử thách, may mà anh đã vượt qua. Dạng kịch tâm lý như thế này không thể chinh phục khán giả bằng những hoạt náo hình thể và ngôn ngữ, mà phải có tay nghề cao trong diễn xuất, có nội lực để thể hiện những nốt trầm. Ái Như đóng góp rất lớn vào việc huấn luyện người trẻ để đóng được những vai như thế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.