Ông vẫn tự hào vì được ở cạnh sông, lại còn bảo “sông bây giờ hơi bốc mùi một chút, nhưng bù lại, khí hậu thoáng mát hơn, nhất là ở thời bê tông hóa này, ngột ngạt lắm”. Thế mà hôm tôi đến thăm, ông có vẻ không vui, làm tôi chột dạ. Chẳng lẽ lâu không lại chơi bị ông trách, hay mình có gì thất thố?
Nhưng hoàn toàn không phải vậy. Pha nước mời khách xong, ông trầm ngâm một lát rồi lên tiếng: Buồn quá! Người ta sẽ lấp sông để làm đường, cậu ạ!
- Nhà anh có bị ảnh hưởng gì không? - tôi hỏi ngay.
- Không! Nhưng mà buồn! Buồn vì người ta không hiểu sông. Mà không hiểu sông ở Hà Nội là không hiểu lịch sử, mà không hiểu lịch sử thì nguy lắm...
Thì ra thế. Với ông có lẽ bị mất nhà mất đất chưa chắc đã buồn đến vậy. Vị giáo sư già tâm sự: Nghe nói thành phố mở rộng đến tận đẩu tận đâu, mình nghĩ cũng mừng vì có thể nhờ đó mà cải tạo được thành phố cũ đang nhiều bất cập, còn lắm lộn xộn trong quy hoạch kiến trúc, khiến phá vỡ hết không gian văn hóa.
Bây giờ nghe quyết định xóa sổ mấy con sông để làm cống, mở đường lên trên, mình thấy như vừa bị mất mát một cái gì lớn lắm. Có thể di dân đi để đào thêm cống thoát nước, hay mở đường. Nhưng không thể lấp sông hay lấy sông làm cống.
Không ai có thể đào thành phố lên để làm sông bao giờ. Sông là vẻ đẹp tạo hóa, là tích hợp của lịch sử. Từ lịch sử giao thông, nông nghiệp, đến quân sự, rồi còn là di sản văn hóa, là khí hậu, cảnh quan... Đi trên bờ sông thấy thành phố soi bóng xuống nước dễ sinh tình hay nảy thơ lắm. Đấy là văn hóa. Văn hóa âm bản đấy cậu ạ.
Tôi ngồi im lặng như để chia sẻ với ông nỗi niềm sắp phải xa sông, mất vĩnh viễn những vẻ đẹp mà sông đã ban tặng cho con người. Tự dưng vẩn vơ mối lo, rồi đây trong cơn khát đất, sẽ còn những dòng sông nữa phải ra đi để lấy đất xây nhà, mở đường...
Biết làm sao. Thôi đành chào nhé, sông ơi!
Tân Linh
>> Hội ngộ bên sông Hàn
>> Mỹ Linh: “Và em sẽ hát…” bên sông Hàn
>> Bên sông hiếu - Thơ của Đinh Lê Vũ
Bình luận (0)