Trùng tu, tôn tạo nhiều di tích
Nhiều năm qua, hoạt động du lịch di sản của Bến Tre đã được khai thác và phát huy thế mạnh với nhiều loại hình và sản phẩm, dịch vụ du lịch. Bến Tre luôn nhất quán chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh, chất lượng, hiệu quả.
Trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bến Tre luôn quan tâm, chỉ đạo công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. Các di tích lịch sử - văn hóa không chỉ đáp ứng nhu cầu về đời sống tinh thần cho nhân dân mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, nhất là kinh tế du lịch, dịch vụ. Tỉnh đã từng bước hoàn thiện bộ máy quản lý về di tích lịch sử - văn hóa từ tỉnh đến xã. Công tác lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích được quan tâm thực hiện. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 78 di tích được xếp hạng, trong đó 60 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh và 16 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, 2 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Đây là nguồn lực vô cùng quý giá cho tỉnh khai thác phục vụ du lịch.
Bến Tre tự hào khi nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới năm 2022, mở ra tiền đề định vị du lịch di sản, du lịch danh nhân trở thành một sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh. Các di tích hiện được quan tâm trùng tu, tôn tạo theo từng giai đoạn, đảm bảo tính nguyên gốc, cảnh quan xanh, sạch, đẹp, có các công trình phụ trợ phù hợp. Các hoạt động tuyên truyền, triển khai quy định của pháp luật về di tích tới các cơ quan, địa phương để cộng đồng hiểu được giá trị của di tích cũng như trách nhiệm trong bảo vệ, phát huy di tích được đẩy mạnh. Nguồn nhân lực có trình độ cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc; công tác nghiên cứu khoa học, xuất bản ấn phẩm cũng được đề cao; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và khen thưởng, kỷ luật là nhiệm vụ được chú trọng nên không xảy ra vấn đề sai phạm.
Bảo tồn gắn với phát triển
Nhất quán quan điểm bảo tồn gắn với phát triển, trong những năm qua, các di tích đều trở thành những điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong hành trình đến với mảnh đất Bến Tre, nhất là các di tích quốc gia đặc biệt, như: Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, di tích Đồng Khởi Bến Tre, Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định, di tích Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, di tích Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam. Qua đó, góp phần gia tăng tổng doanh thu về du lịch trên địa bàn tỉnh; đồng thời tác động đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trong thời gian qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Vấn đề đặt ra cho công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích tỉnh Bến Tre trong giai đoạn hiện nay là cần được tăng cường và nâng cao hiệu quả để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân; nhu cầu nghiên cứu, tham quan du lịch của khách trong, ngoài nước, tạo nền móng vững bền góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Quán triệt Nghị quyết số 13-NQ/TW, tỉnh đã xác định một số nội dung trọng tâm về nhiệm vụ và giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di tích và văn hóa - lịch sử nhằm phục vụ phát triển du lịch tại tỉnh Bến Tre, như: đầu tư đồng bộ, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu trở thành những di sản có chất lượng cao về khoa học bảo tồn và môi trường văn hóa, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế du lịch. Triển khai việc quy hoạch chi tiết đối với các di tích để giải quyết hợp lý, hài hòa, bền vững giữa bảo tồn, phát huy, phát triển giá trị di sản văn hóa với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tạo môi trường văn hóa lành mạnh tại các di tích; ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, làm biến dạng môi trường cảnh quan.
Bên cạnh đó, xây dựng những giải pháp phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa để thu hút khách du lịch góp phần tạo nguồn thu, làm cơ sở để bảo tồn, phát huy giá trị các khu di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh. Trong đó, chú trọng đến quan điểm chiến lược khi phát triển du lịch trên cơ sở các di tích lịch sử - văn hóa là khai thác các yếu tố văn hóa đặc trưng vùng miền để tạo tính cạnh tranh với các tỉnh khác; đồng thời cần tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp khai thác, đầu tư; nhận thức của cộng đồng dân cư và du khách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích, gìn giữ môi trường không gian di tích, không gian du lịch theo hướng bảo vệ và phát triển một cách bền vững.
Bến Tre đang tiếp tục xây dựng chiến lược tăng cường hoạt động quảng bá, giới thiệu về giá trị lịch sử, văn hóa, tiềm năng, thế mạnh của các di tích. Chủ động hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là vùng ĐBSCL và các tỉnh khu vực phía nam, để phát triển nguồn lực văn hóa di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh gắn liền với phát triển du lịch. Cùng với đó là liên kết với các doanh nghiệp lữ hành, hiệp hội du lịch trong và ngoài tỉnh kết nối các tour, tuyến điểm du lịch; đồng thời nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch trong lĩnh vực di sản văn hóa về đất và người Bến Tre. Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá tiềm năng phát triển du lịch để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên toàn tỉnh.
Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch là một hướng đi đúng đắn của Bến Tre trong giai đoạn hiện nay. Phát triển du lịch chính là cách thức, là con đường để phát huy sức mạnh mềm văn hóa tỉnh đã và đang lựa chọn hiệu quả. Du lịch, nhất là du lịch di sản khai thác từ di tích lịch sử - văn hóa góp phần rất quan trọng trong việc khai thác và phát huy giá trị văn hóa dân tộc cho tăng trưởng và phát triển bền vững; làm cho du khách quốc tế đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, đầu tư, kinh doanh… hiểu và yêu mến hơn đất nước, văn hóa và con người Bến Tre hôm nay.
Tin rằng với những giải pháp đúng đắn như trên, khai thác du lịch di tích lịch sử - văn hóa góp phần hoàn thành mục tiêu đưa du lịch Bến Tre trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2025 và là ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, theo Đề án số 02-ĐA/TU về phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2030.
Bình luận (0)