Công ty TNHH MTV Cơ khí giao thông vận tải (SAMCO) - chủ đầu tư bến xe Miền Đông mới (số 501 Hoàng Hữu Nam, phường Long Bình, TP.Thủ Đức) vừa thông báo về việc di dời các tuyến đường ở giai đoạn 2.
Phối cảnh BXMĐ mới sau khi hoàn thiện toàn bộ các hạng mục |
SAMCO |
Theo đó, từ 11.10, các tuyến đường từ bến xe Miền Đông hiện hữu đi đến 15 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau sẽ chính thức chuyển sang hoạt động và thực hiện giờ xuất bến tại bến xe Miền Đông mới.
Như vậy, sau 11.10, sẽ có 100 tuyến xe khách liên tỉnh chính thức hoạt động ở bến xe mới phục vụ hành khách.
Bến xe Miền Đông cũ chuẩn bị ngưng đón khách, chuyển sang 'siêu' bến xe mới |
Các tuyến xe buýt kết nối có điểm đầu, cuối tại bến xe Miền Đông mới gồm: tuyến buýt có trợ giá số 55, 56, 76, 93. Ngoài ra, 1 số tuyến xe buýt có lộ trình đi ngang qua bến xe Miền Đông mới (trục đường quốc lộ 1) mà người dân có thể lựa chọn gồm: tuyến xe buýt số 150, 60-1, 60-2, 60-3, 60-4.
Trước đó, ngày 10.10.2020, SAMCO đã phối hợp với Sở GTVT TP.HCM thực hiện di dời giai đoạn 1 một số tuyến đường có cự ly từ 1.100 km trở lên (từ Quảng Trị trở ra các tuyến thuộc khu vực miền Bắc).
Việc di dời các tuyến theo giai đoạn 2 được đánh giá phù hợp với quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020; đảm bảo mang lại hiệu quả khai thác bến xe Miền Đông mới, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại bến xe cũ và không gây áp lực giao thông lên các khu vực mà hiện nay các bến xe khách liên tỉnh khác đang hoạt động.
Đồng thời, tránh tình trạng các doanh nghiệp vận tải đang khai thác các tuyến hành khách cố định liên tỉnh chuyển sang hoạt động khai thác tại các bến xe Miền Tây, An Sương và ngã tư Ga hoặc điều chỉnh lộ trình đi quốc lộ 14 để về bến xe Miền Đông (danh mục tuyến đường di dời giai đoạn 2 không có các tuyến đường có lộ trình di dời quốc lộ 14).
Khu vực xe đỗ tại bến xe Miền Đông mới được bố trí khoa học, thoáng đãng |
H.M |
Mới đây, Sở GTVT TP.HCM cũng ra văn bản thông báo các phương tiện không được lưu đậu đón trả khách tại bến xe hiện hữu như giai đoạn 1. Để hoạt động bến xe mới đạt hiệu quả, Sở GTVT yêu cầu Thanh tra Sở, Công an TP chỉ đạo lực lượng CSGT, Công an TP.Thủ Đức, các quận, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý xe dù bến cóc; xe dừng, đỗ không đúng quy định.
Song song, quận Bình Thạnh, TP.Thủ Đức có trách nhiệm giám sát hoạt động tại các bến bãi, điểm đón, trả khách tự phát, kiên quyết chấm dứt hoạt động bến bãi không đúng quy định.
Bến xe Miền Đông mới được khởi công xây dựng vào tháng 4.2017. Với diện tích hơn 16 ha, đây là bến xe có quy mô lớn nhất cả nước, không chỉ là đầu mối giao thông mà còn được quy hoạch trở thành khu phức hợp đa chức năng gắn với trung tâm thương mại, dịch vụ văn phòng, giao nhận hàng hóa logistics kết hợp với giải trí, hài hòa với khu vực quảng trường metro và cây xanh phục vụ cho sinh hoạt của cộng đồng.
Dự kiến, giai đoạn 3 sẽ tiếp tục di dời toàn bộ các tuyến đường còn lại khi bến xe Miền Đông mới hoạt động ổn định, tình hình trật tự vận tải, kết nối giao thông được đảm bảo.
Bình luận (0)