Các ca bệnh bạch hầu đã rất hiếm hoi trong những năm qua. Tuy nhiên, ổ dịch bạch hầu bùng phát mới đây tại Quảng Ngãi với 3 ca tử vong chỉ trong thời gian ngắn đã khiến các chuyên gia lo ngại về sự trở lại của căn bệnh nguy hiểm này.
Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia Tiêm phòng đầy đủ giúp trẻ không bị mắc bạch hầu
- Ảnh: Thúy Anh |
Vi khuẩn sống khỏe trong sữa, nước uống
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết bạch hầu là bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do vi khuẩn bạch hầu (corynebacterium diphtheria) gây ra. Ổ chứa vi khuẩn bạch hầu là người bệnh và người lành mang trùng. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ hoặc ở người lớn không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp, hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Vi khuẩn cũng có thể lây truyền gián tiếp qua đồ chơi, vật dụng hoặc xâm nhập qua da tổn thương.
Chỉ sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, người nhiễm đã trở thành nguồn lây nhiễm cho người khác. Các nghiên cứu xác định vi khuẩn này có sức đề kháng cao ở ngoài môi trường. Chúng có thể sống đến vài tuần trên đồ vật; sống đến 30 ngày trên đồ vải; 20 ngày trong sữa, nước uống. “Với sức sống khá dài trong môi trường thích hợp và dễ dàng phát tán, bạch hầu có thể bùng phát thành dịch, đặc biệt ở những nơi có mật độ dân cư cao, môi trường sống ẩm thấp, kém vệ sinh”, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng lưu ý.
Nhận biết bạch hầu
Bệnh bạch hầu thường gặp với những triệu chứng điển hình như: viêm họng, mũi, thanh quản. Họng đỏ, nuốt đau, sốt nhẹ, ho, khàn tiếng, chán ăn, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ. Sau 2 - 3 ngày, xuất hiện giả mạc ở hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh. Bệnh nhân có thể có dấu hiệu khó thở, khó nuốt. Bệnh có thể diễn biến trầm trọng và tử vong trong vòng 6 - 10 ngày. Ngoài ra, có những ca bệnh nặng mà không có biểu hiện sốt cao nhưng cổ sưng to, khàn tiếng, khó thở, rối loạn nhịp tim, liệt.
Ông Trần Đắc Phu đặc biệt lưu ý: “Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân có thể mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch do chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh. Ca bệnh có xu hướng tăng từ tháng 8 đến tháng 10 trong năm”.
Theo Cục Y tế dự phòng, bạch hầu nguy hiểm do vi khuẩn gây bệnh tiết ra ngoại độc tố mạnh gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể. Người mắc bệnh bạch hầu nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời để sẽ dẫn đến viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim, tử vong do đột ngột trụy tim mạch. Một số bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim, sau nhiều năm gây ra bệnh tim mãn và suy tim. Ngoài ra, bệnh cũng có thể dẫn đến thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận.
“Đáng lo ngại, trẻ em có thể lây nhiễm vi khuẩn bạch hầu từ người nhiễm vi khuẩn nhưng không có biểu hiện bệnh (người lành mang trùng)”, ông Phu lưu ý. Ở trẻ em có thể mắc bạch hầu thanh quản là thể nặng. Bệnh xuất hiện giả mạc tại chỗ và nhiễm độc thần kinh làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động dẫn đến tử vong.
Lịch tiêm phòng bạch hầu cho trẻ
Tất cả trẻ em cần được tiêm đủ 3 mũi vắc xin phối hợp “5 trong 1” phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - viêm phổi, màng não do vi khuẩn Hib (DPT-VGB-Hib) lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi. Tiêm nhắc lại vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
|
Bình luận (0)