Bệnh bạch hầu: Triệu chứng, biến chứng và cách phòng tránh

09/07/2024 04:19 GMT+7

Ổ chứa vi khuẩn bạch hầu tồn tại ở cả người bệnh và người lành mang vi khuẩn. Khi một người bị nhiễm trùng, nhiễm độc do vi khuẩn bạch hầu có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Bác sĩ chuyên khoa 2, Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Thể bệnh hay gặp nhất của bệnh bạch hầu là ở đường hô hấp (mũi, họng, thanh quản, khí phế quản), trong đó 70% là bạch hầu họng.

"Ổ chứa vi khuẩn bạch hầu tồn tại ở cả người bệnh và người lành mang vi khuẩn. Khi một người bị nhiễm trùng, nhiễm độc do vi khuẩn bạch hầu có thể dẫn đến tử vong rất nhanh trong khoảng 7 ngày nếu không phát hiện và điều trị", bác sĩ Tiến chia sẻ.

Nguy cơ bùng dịch bạch hầu khi ca nhiễm liên tiếp ghi nhận ở Nghệ An, Bắc Giang

Triệu chứng điển hình

Theo bác sĩ Tiến, thời gian ủ bệnh bạch hầu thường khoảng 2-3 ngày, sau đó xuất hiện các triệu chứng như đau họng, sốt, ho, khàn tiếng, chán ăn, xuất hiện giả mạc lan nhanh màu trắng ngà...

"Các triệu chứng của bạch hầu dễ nhầm lẫn với cảm cúm. Tuy nhiên ở người mắc bệnh cảm cúm sau hạ sốt có thể mặt mũi tươi tỉnh, còn người bệnh bạch hầu vừa nhiễm trùng, nhiễm độc nên mặt rất đừ. Do đó khi thấy đau viêm họng nhiều, đừ người, có giả mạc trắng nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để thăm khám", bác sĩ Tiến khuyến cáo.

Bệnh bạch hầu: Triệu chứng, biến chứng và cách phòng tránh- Ảnh 1.

Đau họng là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh bạch hầu

AFP

Biến chứng của bệnh bạch hầu

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người mắc bệnh bạch hầu có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm và tử vong.

Tắc nghẽn đường hô hấp. Theo bác sĩ Tiến, vi khuẩn bạch hầu sẽ tạo lớp màng giả màu trắng bám vào trong vòm họng, các lớp màng này lan ra nhân lên có thể gây lấp đường hô hấp, ngạt thở, suy hô hấp cho người bệnh.

Viêm cơ tim. Độc tố bạch hầu có thể ảnh hưởng đến tim, gây rối loạn nhịp tim, suy tim và có thể tử vong.

Tổn thương thần kinh dẫn đến tê liệt. Độc tố bạch hầu cũng có thể gây ra các biến chứng tê liệt các dây thần kinh vận nhãn, cơ chi.

Rối loạn chức năng bàng quang: Một biến chứng khác có thể xảy ra với bệnh nhân bạch hầu là các vấn đề về dây thần kinh kiểm soát bàng quang, khiến bệnh nhân gặp các triệu chứng như đi tiểu thường xuyên, tiểu rắt, mất kiểm soát bàng quang…

Tê liệt cơ hoành. Với người bệnh bạch hầu, cơ hoành có thể bị tê liệt rất đột ngột, kéo dài hơn nửa giờ hoặc lâu hơn. Nếu cơ hoành tê liệt, ngừng hoạt động, người bệnh có nguy cơ tử vong.

Suy hô hấp, viêm phổi. Cơ hoành có vai trò quan trọng đối với hệ hô hấp, do đó nếu cơ hoành bị liệt hoàn toàn, triệu chứng khó thở sẽ biểu hiện thường xuyên hơn, thậm chí dẫn đến viêm phổi và suy hô hấp.

Bệnh bạch hầu: Triệu chứng, biến chứng và cách phòng tránh- Ảnh 2.

Các nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm những người đã tiếp xúc với bệnh nhân bạch hầu

K. THẢO

Phòng bệnh bạch hầu như thế nào?

Bệnh bạch hầu được lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

"Hiện nay biện pháp hiệu quả để phòng bệnh bạch hầu là tiêm ngừa vắc xin. Do đó, trong công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe thường kỳ cần cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh bạch hầu để người dân chủ động tiêm ngừa vắc xin đầy đủ, phát hiện sớm bệnh, cách ly, phòng bệnh", bác sĩ Tiến chia sẻ.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo công tác vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Tại nơi có ổ dịch bạch hầu cũ cần tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp viêm họng giả mạc. Tổ chức tiêm vắc xin bạch hầu đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng.

Cách ly hàng trăm người tiếp xúc ca bệnh tử vong do bệnh bạch hầu

Như Thanh Niên đưa tin, ngày 8.7, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Nghệ An cho biết, ngành y tế địa phương đang tích cực điều tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, khử trùng, cách ly... những người đã tiếp xúc với bệnh nhân P.T.C (18 tuổi, tử vong ngày 5.7 do bệnh bạch hầu).

Nữ bệnh nhân là P.T.C (18 tuổi, ngụ bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, H.Kỳ Sơn, Nghệ An), là học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên H.Kỳ Sơn, vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Qua khai thác thông tin dịch tễ được biết, ngày 26.6, bệnh nhân P.T.C có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khàn tiếng. Bệnh nhân tự mua thuốc điều trị và vẫn tham gia dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Trường THPT Kỳ Sơn vào các ngày 27 - 28.6.

Sau khi thi xong, bệnh nhân P.T.C về nhà nhưng bệnh không đỡ nên ngày 1.7 đã đến Trung tâm Y tế H.Kỳ Sơn khám và nhập viện điều trị với chẩn đoán viêm loét họng, tiên đoán bạch hầu.

Đến ngày 4.7, tình trạng bệnh nhân P.T.C không thuyên giảm nên được thuyết phục chuyển lên Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An điều trị. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, bạch hầu, biến chứng viêm cơ tim, suy đa tạng, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu. Bệnh nhân được gia đình xin đưa về lúc 23 giờ 50 ngày 4.7 và tử vong trên đường về vào lúc 4 giờ ngày 5.7.

Mở rộng điều tra dịch tễ, CDC Nghệ An đã xác định được 119 người ngụ ở 21 xã của các huyện Kỳ Sơn và Tương Dương (Nghệ An) đã tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến lúc tử vong.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang cũng vừa ghi nhận ca bệnh bạch hầu, là một trong 2 người đã tiếp xúc gần với ca tử vong do bệnh bạch hầu tại H.Kỳ Sơn (Nghệ An). Hiện, Bắc Giang không còn huyết thanh kháng độc tố bạch hầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.