Bệnh đau mắt đỏ... mùa bơi

31/07/2018 05:10 GMT+7

Gần đây số bệnh nhân bị viêm kết mạc đến bệnh viện có xu hướng tăng, trong đó ghi nhận các trường hợp bị viêm kết mạc mắt sau khi đi bơi tại các bể bơi công cộng.

Triệu chứng
Các chuyên gia nhãn khoa khuyến cáo về tình trạng nhiều bệnh nhân tự đi mua thuốc điều trị chỉ đến bệnh viện sau vài ngày tự chữa mà không thuyên giảm. Cả người bán thuốc và bệnh nhân đều tự “chẩn đoán, kê đơn” điều trị đau mắt đỏ thông thường nhưng thực tế có thể bệnh nhân bị viêm màng bồ đào, khi đó thực sự nguy hiểm cho người bệnh bởi viêm màng bồ đào có nguy cơ hỏng mắt nếu không được điều trị
Tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, bệnh nhân nam 25 tuổi (ở Q.Đống Đa, Hà Nội) kể: “Mới tuần trước tôi đi bơi, 2 - 3 ngày sau thì mắt khó chịu, sưng cộm, luôn có cảm giác mắt không sạch nên đi khám”.
Bác sĩ Lê Kim Lan, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, cho biết bệnh nhân được chẩn đoán viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ) có nguyên nhân do vi rút.
Theo bác sĩ Kim Lan, trước đây đau mắt đỏ thường gặp sau những đợt mưa nhiều sau mùa hè, vào khoảng tháng 8 - 9, nhưng năm nay số người mắc bệnh này xuất hiện sớm hơn và các trường hợp đau mắt đỏ ghi nhận rải rác quanh năm. Các tháng hè gần đây đã ghi nhận các trường hợp bị viêm kết mạc có liên quan đến đi bơi tại các bể công cộng.
Khởi đầu bệnh nhân bị viêm kết mạc có biểu hiện bệnh một bên mắt, sau đó đau sang mắt còn lại, thông thường sau 7 - 10 ngày khỏi bệnh. Trong trường hợp chỉ bị một bên thì bệnh thường lâu khỏi hơn.
“Nước bể bơi cũng là nơi có thể lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ do dịch tiết nước mắt của người viêm kết mạc sẽ hòa lẫn trong nước bể khi họ đi bơi. Người lành tiếp xúc với nước bể bơi đó sẽ bị nhiễm bệnh”, bác sĩ Lan khuyến cáo. Để phòng ngừa, cần vệ sinh mắt sạch sẽ sau khi bơi. Trong trường hợp bị đau mắt, cần nghỉ tại nhà để giữ sức khỏe cho bản thân và tránh lây cho người khác.
Dễ lây trong môi trường tập thể
Trong môi trường tập thể, công cộng, có thể dễ nhiễm bệnh do tiếp xúc với các vật dụng chung như tay nắm cửa, nút thang máy. Ví dụ, tay của người bị viêm kết mạc sau khi dụi mắt lại chạm đồ vật chung, mầm bệnh từ đó dễ dàng, nhanh chóng lây cho người khác khi có cùng sự tiếp xúc.
Bác sĩ Lê Kim Lan cũng lưu ý trẻ nhỏ được chăm sóc tại gia đình, thậm chí sơ sinh cũng có thể bị viêm kết mạc do lây từ anh chị em trong nhà, người thân, dù có thể không biểu hiện bệnh nhưng mầm bệnh (vi rút) trong người vẫn lây sang em bé qua đường hô hấp, tiếp xúc gần.
Để tránh lây bệnh viêm kết mạc, bác sĩ Lan khuyên mỗi người nên lưu ý phòng bệnh khi tiếp xúc với các vật dụng nơi công cộng như tay nắm cửa, thang máy… Khi sử dụng nút trong thang máy, không nên dùng đầu ngón tay bấm trực tiếp mà nên gập nhẹ ngón tay rồi dùng phần lưng của ngón tay đó bấm nút thang máy. Không dùng tay dụi mắt, đặc biệt khi tay vừa tiếp xúc với các vật dùng chung.
Người bị viêm kết mạc cũng cần có ý thức phòng bệnh cho những người xung quanh bằng cách giữ vệ sinh cá nhân, dùng riêng các vật dụng; khăn, ca cốc và nên nghỉ ngơi tại nhà để tránh lây lan trong môi trường đông người.
Biến chứng nặng do dùng thuốc không đúng
Theo kinh nghiệm của bác sĩ Kim Lan, viêm kết mạc có thể mắc phải ở bất kỳ tuổi nào. Triệu chứng mà mọi người quan sát thấy thường có biểu hiện giống nhau là “đau mắt đỏ” nhưng nguyên nhân gây bệnh lại khác nhau, do đó việc chỉ định điều trị cũng khác nhau tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh. Khi bị đau mắt đỏ, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ khám và chỉ định điều trị đúng cách.
Ngoài ra, khi được kê đơn, bệnh nhân cần dùng thuốc đúng hướng, nếu nhỏ thuốc không đúng cách, đúng liều thì ảnh hưởng đến kết quả điều trị, đặc biệt lưu ý với trẻ nhỏ để tránh biến chứng do viêm kết mạc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.