Chiều qua 19.2, tại Hà Nội diễn ra cuộc họp thông tin về bệnh dịch tả lợn châu Phi ở VN.
Xác định 3 ổ dịch
|
Cũng theo ông Long, bệnh dịch tả lợn châu Phi có cơ chế lây qua đường tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Biểu hiện lợn bệnh là sốt rất cao, chết từ từ chứ không chết ồ ạt như các loại bệnh lây qua đường hô hấp. Do hiện tại không có thuốc chữa, lợn mắc bệnh có tỷ lệ chết 100% ở tất cả các loại lợn con, lợn choai, lợn thịt. Cục Thú y đã lấy hàng trăm mẫu phân tích đối với các đàn lợn ở khu vực xung quanh ổ dịch được phát hiện và đang chờ kết quả chính thức.
Không lây bệnh sang người
Theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, từ ngày 1.2 đã có nghi vấn về bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Hưng Yên. Ngay sau đó, cơ quan thú y lấy mẫu để xét nghiệm. Đây là loại bệnh mới, Cục Thú y thận trọng xét nghiệm ở nhiều phòng thí nghiệm khác nhau, thậm chí tham vấn cả các phòng thí nghiệm quốc tế, trước khi khẳng định chắc chắn đây là bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại VN.
Giải thích về nguyên nhân bệnh xuất hiện ở các tỉnh nằm sâu trong nội địa, trong khi đó chưa ghi nhận ở các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc là quốc gia hiện có các ổ dịch bệnh tả lợn châu Phi, ông Phạm Văn Đông cho rằng nguồn vi rút có thể phát tán qua các loài chim di cư từ nơi có khí hậu lạnh đến nơi ấm hơn. Hiện tại đang là thời điểm chim di cư từ các nước Nga, Trung Quốc, Mông Cổ... đang có dịch bệnh này. Cũng có nguyên nhân từ thói quen của người dân, khách du lịch mang theo thực phẩm thịt lợn có mầm bệnh vào VN, tương tự như đã phát hiện tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan.
“Giống như bệnh dịch tả truyền thống, dịch tả lợn châu Phi là loại bệnh đặc chủng trên đàn lợn, không lây bệnh cho động vật khác và không ảnh hưởng sức khỏe, lây bệnh sang con người. Người chăn nuôi cần bình tĩnh thực hiện các biện pháp khử trừng chuồng nuôi bằng vôi bột, thuốc sát trùng”, ông Đông nói và nhấn mạnh: “Người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang, tẩy chay tiêu dùng sản phẩm thịt lợn khi đây là loại bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người”.
Cục trưởng Cục Thú y cũng lưu ý, hiện tại đã có chính sách hỗ trợ đền bù thiệt hại cho người chăn nuôi nếu đàn lợn bị tiêu hủy, với mức giá chung là 38.000 đồng/kg. Khi phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh, người dân khai báo đến chính quyền, cơ quan thú y địa phương để được hỗ trợ xử lý dịch bệnh cũng như hưởng chính sách đền bù; tuyệt đối không bán chạy lợn bệnh, không tự ý vứt xác lợn chết ra môi tường sẽ làm dịch bệnh lây lan, phát tán nhanh.
Theo Cục Thú y, thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE) cho biết trong 2 năm qua bệnh dịch tả lợn châu Phi được ghi nhận đã có ở 20 quốc gia với hơn 1,08 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy. Còn tại Trung Quốc, thông tin từ OIE và Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), từ 3.8.2018 - 18.2 đã phát hiện 105 ổ dịch tại 25 tỉnh, với 950.000 con lợn bị mắc bệnh phải tiêu hủy; trong đó có nhiều ổ dịch xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông tiếp giáp với biên giới VN. Đây sẽ là nguy cơ cao để bệnh dịch này tiếp tục xâm nhiễm vào VN thông qua con đường vận chuyển, nhập lậu sản phẩm thịt lợn từ Trung Quốc và VN.
|
Bình luận (0)