Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng nửa triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do vi khuẩn phế cầu trên thế giới1.
Tiêm ngừa là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ bé khỏi các bệnh do vi khuẩn phế cầu |
Vi khuẩn phế cầu
Vi khuẩn phế cầu (Streptococcus pneumoniae) gây ra nhiều loại bệnh lý khác nhau ở trẻ em và đa phần là những bệnh lý nghiêm trọng, đe doạ tính mạng nếu không được điều trị kịp thời như viêm màng não, nhiễm trùng huyết hay viêm phổi1.
Vi khuẩn phế cầu là nguyên nhân hàng đầu gây viêm phổi ở trẻ em
|
Ngày Viêm phổi Thế giới 12.11.15 vừa qua, theo báo cáo của WHO, chỉ riêng năm 2015, khoảng 5,9 triệu trẻ em dưới năm tuổi tử vong trên toàn thế giới. Trong đó, viêm phổi chiếm 16%, tiếp tục là 1 trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu với trẻ dưới 5 tuổi2. Tại Việt Nam, ước tính hàng năm có đến 2.9 triệu lượt mắc viêm phổi ở trẻ dưới 5 tuổi3. Mà vi khuẩn phế cầu chính là vi khuẩn hàng đầu gây viêm phổi ở trẻ em.
Chị M. ngụ ở quận 1, TP. HCM cho hay “Cháu trai tôi bị viêm phổi mà cả nhà không hề biết, chỉ nghĩ là con bị cảm vì thấy cháu sốt và ho nên tự cho con uống thuốc cảm. Mãi đến khi thấy cháu thở nhanh bất thường như thể cháu bị khó thở thì cả nhà mới cuống cuồng đưa cháu đến bệnh viện.”
Không chỉ viêm phổi, các bệnh gây ra do vi khuẩn phế cầu đều có triệu chứng tương tự bệnh cảm nên thường khiến các bậc phụ huynh xem nhẹ, dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Bệnh không nên chủ quan
Vi khuẩn phế cầu thường cư trú ở vùng hầu họng của người trưởng thành. Đối tượng dễ mắc các bệnh liên quan đến phế cầu là người già, trẻ em dưới 5 tuổi và đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Với những người khỏe mạnh, sức đề kháng tốt thì vi khuẩn không có điều kiện phát triển và gây bệnh.
Ở người già, hệ miễn dịch đã suy giảm, còn trẻ em thì chưa hoàn thiện nên vi khuẩn dễ tấn công. Nhiều trường hợp dù được điều trị khỏi nhưng cũng có thể để lại các di chứng.
Đáng chú ý hơn, bệnh do vi khuẩn phế cầu thường không dễ chẩn đoán bởi triệu chứng gần giống với chứng cảm lạnh thông thường.
Một trong những biện pháp tốt nhất để phòng bệnh là chủng ngừa cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao bao gồm trẻ em dưới 5 tuổi; người già trên 65 tuổi; bệnh nhân suy thận mạn tính, đa u tủy, hội chứng thận hư, ghép thận, bệnh nhân bị bệnh tim, phổi mạn tính...
Ngoài ra, cha mẹ cần giữ ấm cơ thể bé, nhất là trong mùa mưa và mùa lạnh; cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, giữ vệ sinh môi trường sống; thường xuyên là vệ sinh cá nhân vùng miệng, họng, đường hô hấp trên, bồi dưỡng sức khỏe nhằm tăng sức đề kháng.
Trẻ em, người già yếu cần chú ý phát hiện sớm các triệu chứng để có biện pháp điều trị kịp thời, hạn chế chuyển biến chứng nặng hơn. Khi cha mẹ phát hiện trẻ có các triệu chứng bất thường thì không nên tự dùng kháng sinh hoặc dùng thuốc điều trị mà đưa bé đến cơ sở y tế để được các bác sĩ hướng dẫn, tư vấn, tránh xảy ra những hậu quả không mong muốn.
Mục tiêu của Ngày Phòng chống Viêm phổi Thế giới 12.11.2015 là nâng cao nhận thức và kêu gọi sự chung tay của cộng đồng nhằm đẩy lùi viêm phổi ở trẻ nhỏ. Như mọi người biết, trẻ em dưới 5 tuổi vẫn tử vong do căn bệnh có thể phòng tránh và điều trị được này. Vắc-xin và các giải pháp phòng ngừa khác đang giảm gánh nặng của viêm phổi, tuy nhiên chúng ta vẫn cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đẩy lùi căn bệnh này4.
Truy cập trang http://tiemngua.com để biết thêm thông tin về viêm phổi cũng như những căn bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ và phương pháp phòng chống.
|
*Chuyên đề “Phòng chống vi khuẩn phế cầu” thuộc chương trình sức khỏe cộng đồng được phối hợp thực hiện bởi Hội Y học Dự phòng Việt Nam & VPĐD GlaxoSmithKline Pte. Ltd. tại TP. HCM
Tài liệu tham khảo:
1 WHO Position paper – Wkly Epidemiol Rec 2012;87(14):129-144
2 NEW RELEASE: Executive Summary – Pneumonia and Diarrhea Progress Report 2015 - http://66.147.244.158/~worldpne/blog/new-release-executive-summary-pneumonia-and-diarrhea-progress-report-2015/ - 2/11/2015
3 Black et al. Lancet 2010; 375: 1969–87
4 World Pneumonia Day 2015 Social Media Toolkit – www.worldpneumoniaday.org (access date: 3/11/2015) https://docs.google.com/document/d/1dijTXXHrEV2O_nceDzsVi7J8Tbj4RWZclUHsfAa93kg/edit
Bình luận (0)