Bệnh giả dối

23/07/2018 08:43 GMT+7

Nhiều người lo lắng về thói giả dối của người lớn đang nhiễm rất nhanh sang con trẻ, khi chính một trong số các bạn thí sinh được sửa điểm lại lên báo hướng dẫn cách làm bài để đạt điểm cao

Vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang còn khiến nhiều người lo lắng về thói giả dối của người lớn đang nhiễm rất nhanh sang con trẻ, khi chính một trong số các bạn thí sinh được sửa điểm lại lên báo hướng dẫn cách làm bài để đạt điểm cao một cách trơn tru.
GS Trần Ngọc Thêm Ảnh: Thành Long
GS Trần Ngọc Thêm (Trường ĐH Khoa học xã hội - nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa có cuộc trả lời phỏng vấn Thanh Niên để nhận định về thói giả dối đang tồn tại trong xã hội.
Giả dối không chỉ là “căn bệnh” của giáo dục
Sự việc gian lận điểm thi tại Hà Giang rồi tới câu chuyện của em thí sinh nọ cho thấy dường như căn bệnh giả dối trong ngành giáo dục đang trở nên trầm kha hơn bao giờ hết?
Gian dối trong ngành giáo dục không phải tới vụ việc ở Hà Giang người ta mới biết. Chuyện học sinh quay cóp, cán bộ ngành giáo dục sửa điểm, học sinh, sinh viên thuê người học hộ, thi hộ, sinh viên làm tiểu luận theo kiểu copy cắt dán từ những tài liệu đã có sẵn… tất cả đều là những biểu hiện của gian dối trong giáo dục.
Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói rằng bệnh giả dối không chỉ là căn bệnh trong giáo dục mà là căn bệnh ở diện rộng hơn rất nhiều. Gian dối trong giáo dục với những vụ việc như Hà Giang vừa qua rõ ràng có phần lỗi của giáo dục nhưng nó cũng là phần lỗi chung của cả xã hội.
Giáo dục đào tạo ra con người, con người là sản phẩm của giáo dục, nhưng giáo dục cũng là sản phẩm của xã hội. Đó là một vòng khép kín và chúng ta phải nhìn nó trong tổng thể. Khi nói tới những bất cập trong giáo dục là người ta nghĩ ngay tới trách nhiệm của nhà trường, của ông Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, và “trăm dâu đổ đầu tằm”, mọi thứ đổ hết lên ngành giáo dục theo nghĩa hẹp đó mà không nghĩ là bản thân mình cũng có phần trách nhiệm trong đó. Giáo dục, ngoài nhà trường còn là trách nhiệm của gia đình và xã hội. Chúng ta luôn nhắc tới bộ ba này và thật ra các thành phần tham gia giáo dục còn rộng hơn nữa. Giáo dục là tổng thể gồm nhiều thành tố, ngoài bộ ba gia đình, giáo dục, xã hội còn là trách nhiệm của chính quyền, và quan trọng hơn nữa là của chính người được giáo dục.
Bệnh giả dối không chỉ là căn bệnh trong giáo dục mà là căn bệnh ở diện rộng hơn rất nhiều
Nhưng chúng ta thừa nhận với nhau rằng, giáo dục là nơi con người hình thành nhân cách, sự gian dối trong giáo dục có thể để lại hệ lụy vô cùng lớn khi nó tạo ra cả một thế hệ không có tinh thần tôn trọng sự thật?
Hiển nhiên là như vậy. Ngay cả với câu chuyện của em thí sinh được sửa điểm vẫn lên báo trả lời, hướng dẫn cách làm bài để được điểm cao, cá nhân tôi nghĩ rằng, thí sinh này có thể hoàn toàn không biết về chuyện sửa điểm của mình và có thể cho rằng mình đạt điểm cao là do may mắn, nhưng vì sĩ diện của bản thân, gia đình nên em đã phải gồng mình lên để nói dối. Đó cũng là một căn bệnh của nhiều người Việt, rất khó nhận khuyết điểm, luôn thanh minh, chối tội và đổ lỗi cho người khác.
Bệnh giả dối
Tình trạng “đạo văn”, xài bằng giả, gian lận điểm thi khiến dư luận lo ngại
Điều đáng nói là cha mẹ những em học sinh này khi “chạy” điểm cho con cũng không nghĩ tới việc với số điểm cao được sửa, những em này sẽ vào học tại những nơi mà các em sẽ không theo nổi với năng lực thực. Rồi có lẽ các em sẽ tiếp tục con đường nhờ vả, chạy chọt, tiếp tục gian dối để có được điểm, lấy được bằng để ra trường. Và với năng lực yếu kém, các em sẽ lại phải chạy chọt hoặc bố mẹ nâng đỡ để có được công ăn việc làm. Như thế, cả cuộc đời các em sống gian dối. Đến lượt mình, các em sẽ lại truyền cái “gien” gian dối này cho con cái theo cách tương tự.
Thật thà bị chê, giả dối được khen là khôn ngoan
Trong nhiều chục năm nay, đã có nhiều bất công xuất hiện trong nhà trường, mà những đứa trẻ đã phải chấp nhận. Bất công không hẳn dưới dạng một đứa trẻ nào đó bị đàn áp vô cớ, mà dưới dạng nó thấy một đứa trẻ khác có đặc quyền. Bản thân trẻ không thích nhưng vẫn phải làm quen với việc bố của bạn kia làm to, hoặc chạy chọt cô giáo... và rồi nó quen dần, coi sự bất công đó như một thực tế. Đó là một thất bại của xã hội.
PGS-TS Nguyễn Đức Thành
(Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách)

Trinh Nguyễn (ghi)
Vấn đề có lẽ là ở chỗ, chúng ta đang chấp nhận sự giả dối như một sự hiển nhiên, thậm chí còn cổ súy cho sự gian dối?
Đúng là sự dối trá đã phổ biến tới mức nhiều người không còn nhận ra là mình đang nói dối, thậm chí một cách vô thức, người ta còn vô tình cổ súy cho sự giả dối. Nói năng giả dối thì được khen là khéo léo. Người VN thật thà quá thường bị chê chứ không được khen. Khi người ta nói: “Cái anh này thật thà quá!” thì đó là lời chê, nghĩa là anh phải khôn ngoan hơn mà khôn ngoan hơn ở đây tức là có khi phải giả dối, để làm vừa lòng người khác. Rồi người ta dạy con mình, học sinh của mình phải khéo léo. Mục đích của các cuộc giao tiếp nhiều khi không phải là nói ra sự thật, giúp xã hội tiến lên, mà là để cho vừa lòng nhau.
Tất cả tình trạng này, như ông nói, đều bắt nguồn từ văn hóa của chúng ta, nghĩa là có từ lâu. Nhưng vì sao tới gần đây, nó mới trở nên nhức nhối như vậy?
Đúng vậy, người VN vốn rất trọng thể diện và để giữ thể diện, nhiều lúc chúng ta sẵn sàng giả dối. Tính trọng thể diện xuất phát từ tính cộng đồng làng xã của văn hóa VN. Bên cạnh đó, người VN trọng tình, trọng các mối quan hệ. Vì tình cảm, người ta sẵn sàng du di cho nhau và do vậy vô tình tham gia vào sự gian dối. Sự trọng tình và trọng quan hệ bắt nguồn từ văn hóa âm tính, thiên về tình cảm của người Việt. Thứ ba, sở dĩ giả dối được là vì bản thân người Việt bẩm sinh rất khôn ngoan, linh hoạt. Tính linh hoạt cũng là một sản phẩm của văn hóa nông nghiệp.
Tuy nhiên, sự giả dối ngày xưa chỉ diễn ra trong phạm vi làng xã thôi. Người ta hiểu rằng, sự giả dối đó chỉ là một cách giao tiếp khéo léo, không để làm mất mặt nhau, còn thực tế thế nào anh và tôi đều biết. Nhưng ngày nay, chúng ta không còn sống trong phạm vi làng xã truyền thống nữa. Cơ chế làng xã để giữ sự giả dối trong giới hạn cho phép, giới hạn chấp nhận được, cơ chế tự điều chỉnh đã không còn nữa nên căn bệnh giả dối có điều kiện phát triển và trở thành nhức nhối như ngày nay. Thêm nữa, vài chục năm qua, xã hội chúng ta chuyển sang cơ chế thị trường, đồng tiền lên ngôi, len vào mọi ngõ ngách, người ta dùng tiền để chạy chọt, trong khi pháp luật thì chưa đủ nghiêm minh, sự giả dối càng có nhiều cơ hội để phát triển.
Vậy đã đến lúc chúng ta cần một cuộc “tự vấn”, hay “đại phẫu” như nhiều người đã nói tới để chữa trị căn bệnh này, thưa ông?
Như tôi nói, đây là vòng luẩn quẩn nên để “chữa trị” khó lắm. Nhưng nếu nhìn vấn đề một cách tổng thể thì ta phải bắt đầu từ văn hóa, từ việc xây dựng con người, xây dựng hệ giá trị, tập trung đề cao những giá trị quan trọng nhất để làm thay đổi con người. Đối với cá nhân thì hai giá trị quan trọng nhất là trung thực và bản lĩnh. Trung thực chính là để khắc phục căn bệnh giả dối.
Thứ hai là bản lĩnh. Phải có bản lĩnh mới trung thực được. Không có bản lĩnh thì vì sĩ diện, người ta sẽ rơi vào vòng giả dối, thanh minh, đổ lỗi để giữ thể diện cho mình, những người liên quan tới mình, cha mẹ mình.
Một điều nữa phải làm đó chính là việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Hệ thống pháp luật của ta chưa hoàn thiện. Nhiều chỗ ngó vào là thấy chưa có đủ cơ sở để giải quyết một vấn đề gì đó. Hệ thống đó ngày càng phải hoàn thiện hơn và điều quan trọng là phải thực thi nó một cách chặt chẽ, mạnh mẽ, nghiêm minh, không có phân biệt đối xử.
Xin cảm ơn GS!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.