Bệnh 'không có xạ nhưng vẽ nên hương' trong giáo dục

23/11/2021 18:13 GMT+7

Là người trong cuộc, tôi xin nêu “mặt trái của tấm huy chương” đang tồn tại nhiều năm trong ngành giáo dục, trong trường học.

Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội vừa tổ chức Hội thảo Giáo dục Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Văn hoá học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo”.

Rất nhiều chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà giáo đã có những tham luận cả về lý luận và thực tiễn văn hoá học đường, rất ý nghĩa.

Tôi xin góp đôi lời bàn về vấn đề vô cùng quan trọng này: văn hoá học đường!

Nói đến văn hoá, thời nào cũng vậy, ở đâu cũng vậy, là nói đến “chân - thiện - mỹ”. Ba khái niệm cốt lõi này của văn hoá không thể tách rời: trong “chân” có “thiện và mỹ”; trong “thiện” có “chân và mỹ”; trong “mỹ” có “chân và thiện”.

Chân là chân thật, là trung thực! Ngược với chân là giả dối, là không trung thực. Nói thật, làm thật và sản phẩm thật là người có văn hoá! Là người trong cuộc, tôi xin nêu “mặt trái của tấm huy chương” đang tồn tại nhiều năm trong ngành giáo dục, trong trường học.

T
Chúng tôi muốn sống và làm việc ở một trường học hạnh phúc

M.C

Thành tích đã thành bệnh!

Cuộc thi đua nào cũng có tiêu chí. Danh hiệu nào cũng phải có tiêu chuẩn. Ngoài những cuộc thi đua nhân sự kiện nào đó, công việc của đơn vị, công việc của cá nhân theo niên chế (học kỳ, năm học) cũng được đặt trong “trạng thái thi đua”. Người người thi đua, trường trường thi đua, tỉnh tỉnh thi đua. Sinh ra là vào cuộc thi đua, từ mầm non cho đến khi nghỉ hưu, tôi không phủ định mặt tích cực của thi đua, nhưng mặt tiêu cực của việc thi đua triền miên suốt cả cuộc đời thì không chấp nhận được.

Để đạt được mục đích thi đua, khen thấp hay khen cao, đơn vị hay cá nhân phải viết báo cáo thành tích. Báo cáo thành tích phải dựa vào tiêu chí, tiêu chuẩn của cuộc thi đua. Bạn đã bao nhiêu lần phải viết báo cáo thành tích cho đơn vị hoặc cho bản thân? Bản báo cáo thành tích mà bạn đã từng viết có bao nhiêu phần trăm là sự thật? Câu hỏi này dành cho mỗi người chúng ta tự ngẫm, không phải khai báo cho bất kỳ ai. Xin nhớ câu nói rất hay để tính phần trăm cho chính xác: “Một nửa cái bánh mỳ vẫn là bánh mỳ, một nửa sự thật không hẳn là sự thật!”

Tôi xin thú thật, hơn 70 năm cuộc đời tôi chưa một lần viết báo cáo thành tích của mình hay của đơn vị. Có thể đó là sự may mắn của riêng tôi.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang

Ngành giáo dục đã từng đưa ra khẩu hiệu “Nói không với bệnh thành tích!” Thành tích đã thành “bệnh”! Đó là bệnh nói dối trong các báo cáo thành tích: không có xạ nhưng vẽ nên hương, bé bằng trứng chim cút nhưng phóng đại lên bằng trứng đà điểu…

Tất cả sự gian dối của cá nhân, của trường, của huyện, của tỉnh trong các báo cáo thành tích để nhằm đạt được mục đích cuối kỳ, cuối năm. “Con gà tức nhau tiếng gáy”!

Khi sổ sách, chứng chỉ, bằng cấp chỉ để đối phó với cấp trên

Giáo viên phải làm rất nhiều loại sổ sách, ngốn không ít thời gian và sức lực. Những cuốn sổ cần thiết thì đã đành, nhưng…? Ta bàn với nhau chữ “nhưng” để ngỏ này. Giáo án là phương tiện giáo viên thường chuẩn bị cho các giờ lên lớp. Giáo viên có người lâu năm nhiều kinh nghiệm, giáo án rất phong phú, linh hoạt. Quyển giáo án của những vị này nhiều khi rất mỏng, mỗi bài giảng chỉ dăm bảy cái gạch đầu dòng để lưu tâm, lưu ý.

Dạy nhiều lớp, đối tượng học sinh khác nhau không thể cứng nhắc một “giáo án chuẩn”. “Giáo án nhập tâm” có sẵn trong đầu là tối ưu. Những giáo viên đạt đến trình độ “linh hoạt” như thế học sinh rất thích. Nhưng than ôi, cấp trên (trường, phòng, sở) không bao giờ chấp nhận.

Để đối phó với cấp trên những lúc kiểm tra, họ có những quyển giáo án đẹp, tự mình làm ra hoặc “học hỏi, sao chép” từ đồng nghiệp trên toàn quốc. Cái đáng nói là ở chỗ: chỉ để đối phó với cấp trên, không vì học sinh thân yêu và học sinh là trung tâm!

Giá như giáo án nói riêng và một vài sổ sách khác của giáo viên mà bỏ chế độ kiểm tra chuyên môn các thứ này thì văn hoá biết bao nhiêu.

Giáo viên phải làm rất nhiều loại hồ sơ, sổ sách. Những cuốn sổ cần thiết đã đành...

Đào ngọc thạch

Tôi làm quản lý trường học hơn 30 năm nay, có nhiều lúc trực tiếp tuyển giáo viên, nhân viên. Tôi không dùng mẫu đơn in sẵn có trong tập hồ sơ xin việc bán ở các cửa hàng, nên yêu cầu người xin việc phải tự viết ra cái đơn của riêng mình, không giống ai.

Có một điều lạ, giáo viên nào, nhân viên nào cũng có hai cái chứng chỉ tiếng Anh và tin học. Mới hôm qua, xem hồ sơ để tuyển thêm nhân viên y tế cũng có 2 chứng chỉ đó. Thực tình, tôi muốn cô này về theo dõi và chăm sóc sức khoẻ của học sinh, không cần cô biết tiếng Anh, biết tin học… Tuyển giáo viên dạy tiếng Anh, hoặc dạy tin học cũng không cần đến các chứng chỉ kiểu “giời ơi” đó, vì họ có bằng cử nhân tiếng Anh hoặc tin học rất đàng hoàng.

Ai đã buộc đi xin việc phải có 2 chứng chỉ đó? Rồi thăng hạng, tăng lương của giáo viên tất tần tật các môn cũng phải “chạy” cho ra các chứng chỉ không thật sự liên quan đến công việc hàng ngày?

“Đối phó” là hiện tượng khá phổ biến ở các trường học bấy lâu nay. Đối phó là sự giả dối bất đắc dĩ!

Ai cho chúng tôi được sống chân thật? Không phải viết báo cáo thành tích, không phải đối phó với cấp trên. Chúng tôi muốn sống và làm việc ở một trường học hạnh phúc, trường học đậm chất “chân - thiện - mỹ”!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.