Ngày 6.6, tin từ Trung tâm Thận - Niệu - Nam khoa, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết nơi này vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân V. (57 tuổi) trong tình trạng “của quý” cương cứng suốt 10 ngày. Đây là ca rối loạn cương dương khá hy hữu.
Một trường hợp cấp cứu "của quý" |
MINH HOẠ |
Nam bệnh nhân có biết, trước đó ông bị té, đập vùng tầng sinh môn (vùng giữa hậu môn và bìu) vào cây gỗ cứng. Sau té, ông V. bị chảy ít máu ở đầu “của quý”. Tối hôm đó, ông quan hệ tình dục bình thường, vẫn xuất tinh và tinh dịch không thấy máu.
Tuy nhiên sau khi xuất tinh, “của quý” của ông không mềm trở lại mà vẫn cương cứng.
Ông V. chỉ cảm giác đau tức nhẹ “của quý”, ngoài ra không có triệu chứng gì khác. Dù đã đi khám và chữa trị tại một số cơ sở y tế tại địa phương, nhưng tình trạng cương cứng của ông V. vẫn không thay đổi.
Ông V. đến Bệnh viện Nhân dân 115, qua thăm khám lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh (siêu âm Doppler, MRI), các bác sĩ phát hiện có tình trạng vỡ mạch máu thể hang 2 bên và nhánh mạch máu vỡ này đổ vào xoang hang, từ đó gây nên tình trạng “của quý” của bệnh nhân cương dương kéo dài.
Bác sĩ nhận định, đây là tình trạng cương “của quý” kéo dài thể lưu lượng cao. Bệnh lý này khá hiếm gặp, chỉ chiếm chưa đến 5% các trường hợp cương dương vật kéo dài.
Với sự hỗ trợ tích cực của các chuyên gia can thiệp nội mạch thuộc khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Nhân dân 115, bệnh nhân được can thiệp làm tắc “siêu chọn lọc” một trong các nhánh mạch máu của thể hang bị rách. Ngay sau can thiệp, “của quý” bệnh nhân trở về trạng thái mềm như bình thường. Bệnh nhân được ra viện sau 24 giờ và tiếp tục được theo dõi để kiểm soát tình trạng rối loạn cương để có phương pháp điều trị phù hợp.
Cương “của quý” kéo dài là tình trạng dương vật cương cứng kéo dài trên 4 giờ, không liên quan đến kích thích tình dục. Có 2 loại cương dương vật kéo dài: loại dòng máu thấp và loại dòng máu cao.
Với loại dòng máu thấp, thể hang cương cứng nhưng quy đầu thì mềm và khi rút máu từ thể hang ra thường đậm đặc và không đông. Nguyên nhân do bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh ưa chảy máu, giảm tiểu cầu, do sử dụng thuốc (trầm cảm, chống loạn thần..), do thâm nhiễm (ung thư lympho, ung thư bàng quang…), tổn thương hệ thần kinh trung ương, tủy sống. Điều trị tốt nhất là trong 4 giờ trước nếu cương cứng do thuốc.
Loại dòng máu cao (hiếm gặp), được tác giả Burt mô tả bệnh nhân đầu tiên vào năm 1960 do chấn thương. Biểu hiện thể hang cương cứng, và quy đầu cũng cương cứng, máu đỏ nếu hút máu ra từ thể hang. Nguyên nhân thường gặp là do chấn thương (có sự rò giữa động mạch thể hang và thể hang). Điều trị nội khoa, nếu không hiệu quả có thể can thiệp điều trị nội mạch (tắc mạch chọn lọc). Tuy nhiên, tỷ lệ rối loạn cương "của quý” xuất hiện sau điều trị chiếm 15 - 22%.
Bình luận (0)