BS Lâm Huyền Trang, Chuyên khoa Nội tiết, Y- Nha khoa Vạn Phước
Tuyến giáp là một cơ quan nằm ở vùng cổ. Khi tuyến này to lên gây bệnh bướu giáp (dân gian hay gọi là bướu cổ). Bình thường, tuyến giáp tiết ra hormon giáp, chất này tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa của cơ thể. Khi tuyến giáp to lên thì chức năng tiết hormon giáp có thể bình thường (bình giáp) hoặc tăng (cường giáp), cũng có thể giảm (suy giáp).
Bướu giáp đa nhân hoặc bệnh basedow đều có thể gây cường giáp. Tuy nhiên, bướu giáp đa nhân có thể bình giáp, do đó trong một số trường hợp bệnh nhân bướu giáp đa nhân không có triệu chứng gì đặc biệt trừ vùng cổ có bướu, sờ vào có nhiều nhân. Nhưng khi chuyển sang cường giáp, bướu giáp đa nhân và basedow sẽ có các triệu chứng giống nhau gọi là hội chứng nhiễm độc giáp, như: không chịu được nóng , giảm cân, yếu, hồi hộp đánh trống ngực kèm theo run tay… Việc xác định chẩn đoán cần có sự thăm khám của bác sĩ chuyên khoa nội tiết, ngoài việc khám lâm sàng cần phải làm thêm một số xét nghiệm chuyên biệt, định lượng hormon tuyến giáp FT3, FT4, TSH.
Bệnh bướu giáp hiện nay có thể điều trị hết. Ba phương pháp để điều trị bệnh cường giáp do basedow hay bướu giáp đa nhân gồm: điều trị nội khoa với thuốc kháng giáp tổng hợp; điều trị bằng phẫu thuật; điều trị bằng iode đồng vị phóng xạ. Mỗi phương pháp điều trị đều có ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Việc lựa chọn phương pháp nào sẽ tùy thuộc vào tình hình bệnh tật, hoàn cảnh cụ thể của mỗi bệnh nhân.
Chuyên mục trên do Y - Nha khoa Vạn Phước (số 307F Nguyễn Văn Linh, P.An Khánh, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) tài trợ. Mọi thắc mắc về sức khỏe, bạn đọc có thể gửi email, thư tín về chuyên mục theo địa chỉ: [email protected], [email protected] hoặc Y - Nha khoa Vạn Phước để được giải đáp và tư vấn.
Bình luận (0)