Bệnh não mô cầu có thể lâm sàng thường gặp nhất là viêm màng não. Bệnh tiến triển rất nhanh, khó phát hiện ở giai đoạn mới nhiễm...
PGS-TS Cao Hữu Nghĩa trình bày tham luận tại tọa đàm |
Khánh vy |
Đó là thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm về các bệnh truyền nhiễm, những khuyến cáo, biện pháp phòng ngừa..., do Hội Y học dự phòng Việt Nam phối hợp cùng Công ty Sanofi - Aventis Việt Nam, tổ chức hôm nay, 5.5, tại TP.HCM.
Trình bày tham luận tại tọa đàm, TS-BS Nguyễn An Nghĩa, Phó khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) cho biết: Viêm não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, do nhiễm vi khuẩn Neisseria meningitidis.
Trẻ dưới 5 tuổi, thanh thiếu niên dễ mắc bệnh não mô cầu, với khoảng 1,2 triệu trường hợp mắc mỗi năm trên thế giới.
Đường lây chính của bệnh não mô cầu là qua đường hô hấp (giọt bắn, ho, hôn...), hoặc lây qua những vật lây nhiễm dính chất tiết của người mang mầm bệnh.
Đáng lưu ý, với người lành mang trùng không thể hiện triệu chứng bệnh nhưng là nguồn lây, khoảng 5-20% người lành mang trùng có nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người khác.
Bệnh não mô cầu có thể lâm sàng thường gặp nhất là: viêm màng não mủ (chiếm từ 50% trở lên trong số ca mắc bệnh); kế đến là nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, viêm khớp...
Các triệu chứng biểu hiện của bệnh não mô cầu gồm: sốt, buồn nôn, buồn ngủ, chán ăn, đau họng, sổ mũi (trong 4-8 giờ đầu); phát ban, xuất huyết, cứng cổ, sợ ánh sáng (12-15 giờ tiếp theo); hôn mê, mê sảng, co giật, mất ý thức, và có thể tử vong (từ 15-24 giờ tiếp theo).
Bệnh nhi mắc não mô cầu bình quân nhập viện khi đã mắc bệnh khoảng 19 giờ. Có những trường hợp buổi sáng thấy bệnh nhi khỏe, nhưng tối cùng ngày lại tử vong.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngay cả khi được chẩn đoán và điều trị đầy đủ, nhưng bệnh não mô cầu vẫn gây tử vong ở khoảng 10% trong số ca mắc, thường xảy ra trong 24-48 giờ đầu. Tỷ lệ tử vong lên đến 50% nếu không được điều trị kịp thời. Với những bệnh nhân được khỏi bệnh, có thể bị di chứng nặng như: tổn thương não, điếc...
Cũng tham luận tại tọa đàm, PGS-TS Cao Hữu Nghĩa, giảng viên vi sinh và an toàn tiêm chủng (Viện Pasteur TP.HCM), thông tin: trên thực tế nhiều gia đình thường tập trung tiêm chủng (phòng các bệnh) cho trẻ nhỏ, nhưng lại quên, bỏ qua việc tiêm ngừa cho trẻ lớn, thanh thiếu niên (hoặc có thể họ chưa hiểu, chưa coi trọng việc chủng ngừa ở trẻ lớn).
"Chúng ta hạn chế được lây lan, đẩy lùi được dịch Covid-19 là nhờ nhiều biện pháp, trong đó có biện pháp quan trọng là tiêm ngừa Covid-19", PGS-TS Cao Hữu Nghĩa, nói.
Ngoài bệnh não mô cầu, tại tọa đàm, các bác sĩ còn trình bày tham luận về các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván - về đường lây, biểu hiện, các nguy cơ, và phòng ngừa bệnh...
Bình luận (0)