Bệnh nhân bảo hiểm y tế không hài lòng do phải đóng thêm tiền khi đau ốm

30/05/2019 14:55 GMT+7

Hội thảo công bố báo cáo chỉ số hài lòng người bệnh năm 2018 vừa được Bộ Y tế tổ chức sáng nay, 30.5, tại Hà Nội.

Theo PGS -TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), khảo sát chỉ số hài lòng người bệnh (PSI) 2018 được thực hiện với sự hợp tác nghiên cứu giữa Bộ Y tế và các chuyên gia của mạng lưới Sáng kiến Việt Nam, Đại học Indiana, Hoa Kỳ trong khuôn khổ Dự án “Equitable Healthcare through PSI”, do Oxfam Việt Nam, Đại sứ quán Bỉ và Đại sứ quán Hà Lan tài trợ.
Tiếp theo năm 2017, đây là năm thứ hai khảo sát này được thực hiện (qua điện thoại) với trên 7.500 người bệnh và người nhà bệnh nhân sau khi xuất viện, ở 60 bệnh viện công tại 23 tỉnh, thành trên cả nước năm 2018.
Kết quả khảo sát trên 7.500 bệnh nhân nội trú và người nhà đi theo chăm sóc ở 60 bệnh viện trong năm qua cho thấy, chỉ số hài lòng người bệnh trung bình đạt 4,04/5, tương ứng với mức độ hài lòng của người bệnh nội trú với chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh đạt mức 80,8% so với kỳ vọng.
Trong số 60 bệnh viện khảo sát, có 13 bệnh viện được người bệnh hài lòng nhất và thuộc nhóm xếp hạng rất tốt (chiếm 21,7%) số bệnh viện được khảo sát; 26 bệnh viện được người bệnh hài lòng và xếp hạng tốt, chiếm 43,3%; còn lại 21 bệnh viện thuộc nhóm xếp hạng khá, chiếm 35%. Trong đó, chỉ số hài lòng cao nhất trong 13 bệnh viện top đầu là BV Đại học Y Dược TP.HCM (với 4.41/5 điểm).
So sánh với kết quả khảo sát gần 3.000 bệnh nhân nội trú ở 29 bệnh viện công năm 2017 cho thấy, chỉ số hài lòng người bệnh năm 2018 đã có sự cải thiện theo hướng tích cực. Chỉ số PSI 2018 đạt 4,04/5 so với PSI 2017 chỉ đạt 3,98/5 (tương ứng với mức độ hài lòng đạt mức 80,8% ở năm 2018, so với mức 79,6% ở năm 2017).
Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh năm 2018, số bệnh viện được mở rộng khảo sát nhiều hơn gấp đôi so với năm 2017.
Lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện công cần chú trọng chuyên môn và chăm sóc, đảm bảo an toàn cho người bệnh ẢNH LÊ HẢO
Theo khảo sát này, người bệnh hài lòng nhất là ở tuyến T.Ư với 82.4% hài lòng, trong khi tuyến tỉnh và huyện lần lượt là 80,2% và 81,4%. Yếu tố khiến bệnh nhân và người nhà hài lòng nhất là thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn (4,13/5 điểm) và kém hài lòng nhất là chi phí khám chữa bệnh (3,78/5 điểm). Trong đó, có các phản ánh về tình trạng bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT nhưng vẫn phải chi trả thêm, và việc này có thể khiến cho bệnh nhân khó theo đuổi điều trị với bệnh cần điều trị lâu dài.

Đánh giá chất lượng cần thực chất 

Chia sẻ tại hội thảo, bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh (tỉnh Quảng Ninh), đơn vị trong danh sách 13 bệnh viện thuộc nhóm xếp hạng rất tốt, cho rằng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và tinh thần phục vụ, sự hài lòng của người bệnh là sống còn của các bệnh viện. Tuy nhiên, Bộ Y tế cần có phương pháp việc đánh giá chất lượng bệnh viện phản ánh thực chất hơn nữa. Đơn cử như tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, cứ mỗi lần triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng phục vụ và chuyên môn, thì điểm số về sự hài lòng lại bị giảm thấp hơn.
"Ví dụ như nhân viên y tế bị người nhà mắng thậm tệ và chất vấn: Tại sao con tôi không không có áo? Sao cháu tôi không được bú bình? Trong khi bệnh viện thực hiện chăm sóc bà mẹ và em bé với phương pháp da kề da; cho trẻ bú mẹ hoàn toàn ngay sau sinh để được hưởng sữa non quý giá từ mẹ, nên không chấp nhận cho trẻ bú bình… Tất cả vì sức khỏe của sản phụ và em bé nhưng lại bị người nhà trút giận", bác sĩ Hùng đơn cử.
Theo PGS - TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, khảo sát hài lòng người bệnh đã được các bệnh viện thực hiện tích cực hàng năm. Các ý kiến phản ánh của người bệnh đã được lắng nghe, ghi nhận. Kết quả khảo sát tương đối phù hợp với chất lượng bệnh viện.
Theo PGS Khuê, các bệnh viện cần đặc biệt chú trọng về an toàn người bệnh, an ninh bệnh viện tốt, cải cách hành chính, cũng như làm tốt hơn công tác hướng dẫn, giải thích, để bệnh nhân và người nhà cùng hợp tác, như vậy kết quả chắc chắn sẽ còn tốt hơn nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.