Tiến sĩ ngành Khoa học máy tính Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc phòng thí nghiệm hệ thống không dây và cảm biến, ĐH Texas tại Arlington (Mỹ) - cùng các cộng sự vừa nhận được giải thưởng SONY Faculty Innovation.
Đây là giải thưởng trị giá 100.000 USD cho công trình nghiên cứu phương pháp mới chẩn đoán và phát hiện bệnh động kinh. Số tiền này dành cho 1 năm nghiên cứu và sẽ được gia hạn thêm nếu kết quả tốt. “Tôi rất vui vì người đạt giải thưởng này trong những năm qua đều là những giáo sư có tên tuổi và đang công tác tại các ĐH top 20 của Mỹ và Canada”, tiến sĩ Phúc (VP Nguyen, 33 tuổi) nói với phóng viên Báo Thanh Niên.
Cơ hội mới cho bệnh nhân động kinh
Trong dự án này, phòng thí nghiệm của anh Phúc phát triển một thiết bị gọn nhẹ, chi phí thấp giúp có thể theo dõi bệnh nhân động kinh (epileptic seizure) tại nhà. Mục đích là phát hiện và phân loại bệnh động kinh bằng cách theo dõi các tín hiệu điện não (EEG), điện cơ (EMG), tính biến thiên số lần đập của tim và các tín hiệu khác.
Các tín hiệu này được thu nhận thông qua những cảm biến trong thiết bị đeo được ở đầu để giúp cho việc chẩn đoán và điều trị có hiệu quả hơn.
|
Theo anh Phúc, hiện nay bệnh nhân động kinh phải được theo dõi bằng thiết bị đo điện não đồ (video-EEG) rất phức tạp, với hơn 20 điện cực gắn vào đầu. Bên cạnh đó, quá trình này phải được thực hiện tại phòng chuyên khoa ở bệnh viện với chi phí cao (tại Mỹ là khoảng 3.000 - 5.000 USD/đêm). Do đó, một bệnh nhân thường được theo dõi trong phòng chuyên khoa khoảng 3 - 4 ngày.
Tuy nhiên, các loại bệnh động kinh phải được quan sát liên tục trên 7 ngày, nhất là động kinh sau chấn thương (một biến chứng phổ biến của chấn thương sọ não với các cơn co giật lặp đi lặp lại, không rõ nguyên nhân xảy ra hơn 1 tuần sau chấn thương sọ não).
Do đó, nhóm nghiên cứu của anh Phúc phát triển thiết bị nhỏ gọn hơn và đang thử nghiệm tại Bệnh viện ĐH Texas Southwestern - Bệnh viện lớn thứ 2 tại tiểu bang Texas, Mỹ (theo U.S. News & World Report).
“Tính đến thời điểm hiện tại, tôi đang thu thập dữ liệu và chạy thử nghiệm thiết bị tại Bệnh viện ĐH Texas Southwestern cho 5 bệnh nhân đầu tiên. Dữ liệu ban đầu rất hứa hẹn, mục tiêu là đến cuối năm nay, phòng thí nghiệm hoàn tất chạy thử nghiệm trên khoảng 50 bệnh nhân”, anh Phúc cho biết.
|
Tâm huyết với khoa học máy tính và công nghệ y sinh học
Anh Phúc, quê ở H.Mỏ Cày Bắc, Bến Tre, tốt nghiệp chuyên ngành điện tử viễn thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Anh làm việc tại Samsung Việt Nam trước khi giành học bổng thạc sĩ ngành Điện và kỹ thuật máy tính, ĐH Sungkyunkwan (Hàn Quốc).
Chỉ trong vòng 4 năm 4 tháng (từ tháng 8.2014 - 12.2018), anh làm nghiên cứu sinh tại ĐH Colorado Boulder (Mỹ) và tốt nghiệp tiến sĩ. Sau đó hơn 1 năm, anh nghiên cứu khoa học tại đây. Tháng 9 năm ngoái, anh trở thành Assistant Professor (tạm dịch là phó giáo sư, chức danh được trường ĐH phong) tại ĐH Texas và là giám đốc phòng thí nghiệm hệ thống không dây và cảm biến của trường này.
Nhà khoa học trẻ người Việt nói về lý do lựa chọn nơi làm việc: “ĐH Texas rất mạnh về nghiên cứu kết hợp 2 ngành khoa học máy tính và công nghệ y sinh học. Hầu hết nghiên cứu của tôi cũng thuộc 2 lĩnh vực này. Đồng thời, trường có quan hệ gắn bó với Bệnh viện ĐH Texas Southwestern. Do đó, các sản phẩm nghiên cứu của tôi có thể nhanh chóng triển khai thực tế trên bệnh nhân”.
‘Để dành’ học bổng cho tài năng Việt
Hiện tại, 2 trong số 3 nghiên cứu sinh của anh Phúc là người Việt. Phòng thí nghiệm của anh hiện đang có thêm 4 suất học bổng tiến sĩ toàn phần. Anh Phúc nói sẽ “để dành” cho sinh viên Việt Nam. “Tôi luôn mong muốn được tạo điều kiện cho nghiên cứu sinh người Việt được tiếp cận với môi trường và cách nghiên cứu mới, tạo ra được những sản phẩm có ích cho xã hội. Đặc biệt, 2 hướng nghiên cứu chính của phòng thí nghiệm là y tế và nông nghiệp. Các thiết bị phát triển tại Mỹ đều có thể mang về Việt Nam trong tương lai”, anh chia sẻ.
|
Anh Phúc mới kết hôn với cô gái Việt tại Mỹ, người cũng đang nghiên cứu lĩnh vực công nghệ sinh học - kỹ thuật nano. Hai vợ chồng thường trao đổi về các hướng nghiên cứu mới, đặc biệt là ý tưởng kết hợp công nghệ nano và khoa học máy tính cho lĩnh vực y tế.
Theo anh Phúc, cha mẹ anh làm nông ở Bến Tre và em gái cũng theo học ngành điện tử viễn thông và đã tốt nghiệp. Anh rất tự hào về gia đình của mình khi cha mẹ vất vả tới đâu cũng luôn ủng hộ các con tiến về phía trước. “Lâu dài, tôi muốn mang các công trình nghiên cứu về y tế và nông nghiệp về Việt Nam, hy vọng các thiết bị phát triển tại phòng thí nghiệm của tôi sẽ được sử dụng rộng rãi ở quê nhà”, anh bộc bạch.
Một nhà khoa học trẻ đáng quýAnh Phúc có 8 bằng sáng chế được đăng ký. Đáng chú ý là 5 bằng sáng chế được thực hiện trong thời gian làm nghiên cứu sinh: Công nghệ theo dõi lượng khí thở sử dụng cảm biến không dây; Công nghệ phát hiện máy bay không người lái; Công nghệ đo các thông tin sống quan trọng của người sử dụng thiết bị di dộng; Phương pháp và thiết bị nhận dạng mã hóa không dùng pin cho thiết bị cảm ứng; Phương pháp và thiết bị xác thực hai yếu tố giữa thiết bị đeo được và thiết bị cảm ứng.
Nói về người bạn của mình là anh Phúc, tiến sĩ Lê Hoàng Sinh - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển, Trường ĐH Duy Tân - chia sẻ: “Chúng tôi biết nhau rồi giữ liên lạc từ năm 2012 tới nay. Lúc đó, Phúc học thạc sĩ, còn tôi học tiến sĩ tại ĐH Sungkyunkwan (Hàn Quốc). Theo tôi, Phúc là một trong những nhà khoa học trẻ xuất sắc, luôn làm việc nghiêm túc, nỗ lực và gặt hái những thành quả lớn trong thời gian ngắn.
"Ngoài là một nhà khoa học trẻ đầy nhiệt huyết, Phúc còn rất quan tâm đến đóng góp bồi dưỡng cho các nhà khoa học trẻ trong nước. Khi có các vị trí nghiên cứu thạc sĩ hoặc tiến sĩ mới trong phòng thí nghiệm, Phúc luôn ưu tiên xem xét những ứng cử viên là các bạn trẻ Việt Nam. Đây là một điều thật sự đáng quý, đóng góp rất thiết thực cho khoa học trong nước", tiến sĩ Sinh nói thêm về chàng trai đang nghiên cứu thiết bị theo dõi bệnh nhân động kinh tại nhà.
|
Bình luận (0)