Bệnh nhân mắc hội chứng ruột ngắn với hàng loạt biến chứng nặng nề

20/01/2025 15:07 GMT+7

Rất nhiều bệnh nhân người Campuchia sang Việt Nam phẫu thuật mắc hội chứng ruột ngắn do viêm ruột hoại tử đã phẫu thuật làm hậu môn nhân tạo một đầu.

Ngày 20.1, tin từ Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết bệnh viện vừa phẫu thuật cứu nữ bệnh nhân 24 tuổi (Camphuchia) bị hội chứng ruột ngắn hoại tử, kèm tiền sử bệnh lý nặng nề.

Theo bác sĩ, nữ bệnh nhân mắc hội chứng ruột ngắn do viêm ruột hoại tử đã phẫu thuật làm hậu môn nhân tạo một đầu, tình trạng này gặp rất nhiều ở bệnh nhân Campuchia (chiếm khoảng 90%).

Bên cạnh đó, bệnh nhân còn mắc Lupus ban đỏ hệ thống biến chứng nặng, như: thiếu máu tán huyết, giảm tiểu cầu miễn dịch, kháng thể kháng đông lưu hành. Bệnh nhân cũng đã được cắt lách trước đây. Đặc biệt, bệnh nhân trong tình trạng suy kiệt, suy dinh dưỡng nghiêm trọng, rối loạn đông máu và suy thận cấp khi nhập viện.

Bệnh nhân mắc hội chứng ruột ngắn với hàng loạt biến chứng nặng nề- Ảnh 1.

Các bác sĩ đang phẫu thuật cho bệnh nhân bị hội chứng ruột ngắn do viêm ruột hoại tử

ẢNH: BVCC

Khi tiếp nhận bệnh nhân, bệnh viện đã thực hiện hội chẩn toàn viện gồm nhiều chuyên khoa (bác sĩ gây mê, ngoại tiêu hóa, hồi sức tích cực, huyết học) để lên kế hoạch chuẩn bị phẫu thuật.

Các bác sĩ quyết định thực hiện phẫu thuật mở bụng để gỡ dính ruột, phục hồi lưu thông ruột - một can thiệp cần thiết để cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Tuy nhiên, ca mổ mang đến nguy cơ xì miệng nối cực kỳ cao vì các nguyên nhân bệnh lý đi kèm khiến vết thương lâu lành.

Nhưng với sự chuẩn bị các phương án tốt, ca mổ đã thành công hơn cả mong đợi, bệnh nhân hồi phục tốt và xuất viện chỉ sau 7 ngày hậu phẫu.

Thạc sĩ, bác sĩ CK1 Mai Văn Dũng, chuyên khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn cho hay, thông thường những trường hợp viêm ruột hoại tử sẽ được phẫu thuật cắt đoạn ruột, đưa 2 đầu ra ngoài thành bụng làm hậu môn nhân tạo, dịch tiêu hóa sẽ được hồi truyền vào đầu dưới hậu môn nhân tạo giúp bệnh nhân tránh tình trạng mất nước và điện giải (biến chứng của hội chứng ruột ngắn).

Tuy nhiên trường hợp bệnh nhân trên thì chỉ được phẫu thuật đưa một đầu ra ngoài làm hậu môn nhân tạo, không có đầu dưới của hậu môn nhân tạo để hồi truyền dẫn đến tình trạng suy kiệt, mất nước và rối loạn điện giải. Điều này khiến bệnh nhân suy thận cấp, rối loạn điện giải, thúc đẩy bệnh nền nặng lên. Do đó cần phải phẫu thuật phục hồi lưu thông ruột sớm mới có thể cứu sống bệnh nhân.

Nếu không được phẫu thuật phục hồi lưu thông ruột và quản lý toàn diện (nuôi dưỡng tĩnh mạch, điều trị nhiễm trùng, bổ sung điện giải và quản lý bệnh lý nền), nguy cơ tử vong ở bệnh nhân này gần như là chắc chắn.

Bác sĩ Mai Văn Dũng khuyến cáo, với bệnh nhân mắc hội chứng ruột ngắn có hậu môn nhân tạo thì cần được chăm sóc dinh dưỡng tốt bằng bổ sung đủ năng lượng, chia nhỏ bữa ăn, hạn chế thức ăn gây kích thích tiêu hóa, uống nhiều nước, hỗ trợ nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch trong trường hợp nếu không đủ dinh dưỡng qua đường tiêu hóa.

Bệnh nhân cần được quản lý hậu môn nhân tạo như vệ sinh đúng cách, theo dõi phân, bảo vệ da. Những bệnh nhân này cần phòng ngừa và xử trí biến chứng mất nước và rối loạn điện giải, kém hấp thu, nhiễm trùng...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.