Liên quan đến người đàn ông ở Tây Ninh bị rắn hổ chúa cắn, ngày 20.8, bác sĩ CK.1 Nguyễn Ngọc Sang, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết bệnh nhân là anh P.V.T (38 tuổi, ngụ ấp Tân Lợi, xã Tân Hưng, H.Tân Châu, Tây Ninh).
Truyền 15 lọ huyết thanh kháng nọc đặc hiệu
Theo đó, trưa ngày 19.8, bệnh nhân được Bệnh viện Tây Ninh chuyển đến Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng liệt hoàn toàn cơ tứ chi, cơ hô hấp, đồng tử giãn 4,5 mm, phản xạ ánh sáng âm tính. Bệnh nhân đang được bóp bóng giúp thở qua nội khí quản.
Ngay sau đó, các bác sĩ cấp cứu nhanh chóng đưa bệnh nhân vào khu hồi sức tích cực, cho thở máy và hội chẩn với đơn vị chống độc Khoa Bệnh nhiệt đới và chuyển bệnh nhân lên khu hồi sức tích cực Khoa Bệnh nhiệt đới để thăm khám toàn diện, đánh giá tình trạng, quan sát rắn và định danh chính xác bệnh nhân bị rắn hổ chúa cắn vùng đùi.
|
“Bệnh nhân được thở máy, dùng 10 lọ huyết thanh kháng nọc rắn hổ chúa đặc hiệu. Liền sau đó, bệnh nhân bắt đầu có phản xạ và nhúc nhích đầu ngón tay, chân , mi mắt cử động nhẹ. 1 giờ sau, sức cơ bệnh nhân cải thiện nhiều hơn, mở 1/2 mắt và đồng tử co lại, có phản xạ ánh sáng”, bác sĩ Sang nói.
Trong đêm 19.8, bệnh nhân được dùng tiếp 5 lọ huyết thanh kháng nọc rắn và sức cơ cải thiện hoàn toàn, mở mắt to. Đến sáng 20.8, bệnh nhân đã tỉnh, sức cơ tứ chi hồi phục hoàn toàn; đồng tử về bình thường, phản xạ ánh sáng tốt. Bệnh nhân đã được dừng máy thở và tự thở qua ống nội khí quản.
“Rắn hổ chúa là loài rắn to lớn và độc tính cao nên dân gian hay nói khi bị rắn hổ chúa cắn thì bước không quá 3 bước. Thường nạn nhân bị rắn hổ chúa cắn thì nọc vào tim rất nhiều và có thể tử vong khi nọc độc làm liệt cơ tứ chi, cơ hô hấp nhanh chóng nếu bệnh nhân không được vận chuyển nhanh chóng đến các cơ sở y tế; nọc độc rắn gây tổn thương cơ tim và tử vong.
Với bệnh nhân T. dù đã được giải quyết liệt cơ hô hấp, cơ tứ chi nhưng từ 24-48 giờ sau nọc độc rắn hổ chúa có thể tấn công vào cơ tim, gây tổn thương tim và bệnh nhân có thể tử vong do tình trạng suy tim cấp. Do vậy bệnh nhân vẫn đang được theo dõi sát sao, theo dõi biến chứng tim mạch, hồi sức tích cực.
Bên cạnh đó, lượng nọc độc tại vết cắn bệnh nhân T. rất nhiều nên làm tình trạng viêm mô tế bào tiến triển, sưng phù hoại tử các cơ rất nhanh và dễ gây nhiễm trùng nên cần theo dõi…
Mỗi năm có 1.000 người bị rắn cắn được cứu
Theo bác sĩ Sang, mỗi năm Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận khoảng 1.000 ca rắn cắn, trong đó có rắn hổ chúa, đa số là bị cắn vào mùa hè. May mắn tất cả được cứu sống. Bác sĩ khuyến khuyến cáo người dân không nên bắt rắn làm thịt hay mua bán vì rất nguy hiểm nếu bị rắn cắn. Cũng không nên học bắt rắn theo cách trên mạng hướng dẫn bởi người bắt rắn họ có kỹ năng và biết tập tính của con rắn như thế nào.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, nếu không may bị rắn cắn thì garo trên chỗ cắn, rửa sạch vết thương bằng nước sạch, nhanh chóng đưa người bị rắn cắn đến cơ sở y tế gần nhất sơ cứu và sau đó đến các cơ sở y tế có huyết thanh kháng nọc. Cần thiết mang theo con rắn hoặc hình ảnh con rắn để bác sĩ nhận diện chính xác và điều trị huyết thanh kháng nọc nhanh chóng.
Khoảng 7 giờ 30 ngày 19.8, khi đang làm thuê trong vườn mãng cầu ở xã Suối Đá (H.Dương Minh Châu, khu vực giáp ranh núi Bà Đen, Tây Ninh), anh P.V.T phát hiện con rắn thì chụp bắt. Tuy nhiên, con rắn đã bất ngờ quay lại cắn trúng đùi phải anh T. Sau đó anh chụp được đầu con rắn, tự lấy dây buộc ga rô và thông báo gia đình đưa mình cùng con rắn đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh lúc 8 giờ ngày 19.8. Ban đầu, bệnh nhân rất tỉnh, nhưng sau gồng người, tím tái, thở gấp, phải cho thở máy và được chuyển xuống Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, con rắn cắn anh T. được xác định là rắn hổ chúa, cân nặng 4,6 kg, dài 2,5 m.
|
Bình luận (0)