Bệnh nhân mang rắn hổ chúa vào phòng cấp cứu: 'Tôi không bao giờ bắt rắn nữa'

12/09/2020 09:46 GMT+7

Anh P.V.T, bệnh nhân 'mang theo rắn hổ chúa vào phòng cấp cứu', nói với PV Thanh Niên chiều 11.9: 'Tôi sẽ không bao giờ bắt rắn nữa đâu'

Chiều 11.9, bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã tổ chức cung cấp chi thiết các thông tin liên quan đến quá trình cứu sống người bị rắn hổ chúa cắn là anh P.V.T (38 tuổi, ngụ xã Tân Hưng, HTân Châu, Tây Ninh) sau 22 ngày điều trị. Anh T. là bệnh nhân "mang rắn hổ chúa vào phòng cấp cứu" từng thu hút sự quan tâm của bạn đọc cả nước. 

Hành trình gian nan giành sự sống cho người đàn ông bị rắn hổ mang chúa cắn

Chở 2 con nhỏ đi… bắt rắn

Nằm trên giường bệnh, anh P.V.T nói nhiều lúc anh cứ nghĩ "mình chết rồi". Anh gởi lời cảm ơn đến tất cả mạnh thường quân đã hỗ trợ chi phí điều trị cho gia đình anh, đặc biệt biết ơn các y, bác sĩ đã cứu anh mà anh luôn... “để trong bụng”.
Anh T. kể vào tháng 12.2019, anh bị tai nạn giao thông gãy chân, chấn thương sọ não, vẫn chưa hồi phục hẳn. Thấy hoàn cảnh anh nghèo, lại chưa làm được gì, nên có người cho 3 - 4 tay lưới để đi giăng bắt rắn.
Sáng 19.8, anh chở đứa con trai 9 tuổi và đứa 2,5 tuổi đi xem lưới thì phát hiện con rắn bị lưới cản, nhưng lúc đầu chưa biết là rắn gì.
Đứa con trai 9 tuổi  xuống đuổi rắn về phía cha, còn anh T. để đứa nhỏ ngồi trên xe, nhảy vào chụp rắn bằng 2 tay, nhưng bị hụt 1 tay, tay còn lại chụp bắt đoạn dưới cổ rắn. Đang trong tư thế quỳ đè rắn thì con rắn cắn ngay vào đùi anh.
“Cơ của tôi giựt giựt, nhức ghê lắm. Nhưng lúc đó tôi nhớ mình có coi trên truyền hình là bắt rắn bị rắn cáng thì tốt nhất là mang theo cả rắn để bác sĩ biết mà trị. Với lại lúc đó định bắt con rắn này kiếm tiền lo cho con chuẩn bị vào trường”, anh T. nói.

Cận cảnh 2 dấu răng to của rắn hổ mang chúa đã cắn người đàn ông

Khi biết mình bị rắn hổ chúa cắn, anh T. rất sợ nên mượn dây của người cắt cỏ ven đường buộc vết thương trên đùi, sau đó mượn điện thoại gọi cho gia đình. Anh T. kể có một anh tài xế  taxi đi ngang giúp đỡ chứ không thì...: “Tôi nói anh tài chạy nhanh lên chứ để nửa tiếng là em chết trên xe luôn. Anh taxi chạy với tốc độ 130 km giờ luôn”, anh T. kể lại.
Đến bệnh viện, anh T. xin băng keo cột miệng con rắn hổ chúa lại, sợ rắn cắn người khác, rồi bỏ rắn vào bao. Sau đó, anh lịm không biết gì nữa…
“Tôi sẽ không bao giờ bắt rắn nữa đâu”, anh T. nói với PV Thanh Niên vào chiều 11.9. Bệnh nhân sẽ được xuất viện vào những ngày tới. 
Từ 19.8 đến nay, vợ chồng anh P.VT nhận trực tiếp gần 1 tỉ đồng tiền hỗ trợ, bao gồm hỗ trợ qua tài khoản Bệnh viện Chợ Rẫy là gần 200 triệu. Tổng viện phí của anh T. là 482 triệu đồng. 2 vợ chồng anh được tặng thêm 2 thẻ bảo hiểm y tế. Gia đình anh cũng đã xin phép không nhận thêm tiền hỗ trợ từ các mạnh thường quân, đồng thời chia sẻ lại số tiền hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo bị ngộ độc thuốc điều trị tại bệnh viện.

Việc cứu được bệnh nhân thật sự kỳ diệu

Theo bệnh viện Chợ Rẫy, ngày 21.8, tức sau 2 ngày được chuyển đến bệnh viện, bệnh nhân T. bị độc tố tấn công cơ tim gây tổn thương cơ tim cấp, thuốc không thể hỗ trợ hoàn toàn được.
Các bác sĩ đã tiến hành đặt máy tạo nhịp tim nhân tạo tại giường bệnh, kết hợp thuốc; lọc máu liên tục, thay huyết tương, thở máy. Trong ngày 22.8 và đêm 21.9 là thời điểm tình trạng bệnh nhân nguy kịch nhất. Bệnh viện đã dồn lực thực hiện hàng loại kỹ thuật, nhất là khi cắt lọc các mô hoại tử, cố gắng giữ từng phần thịt sống cho bệnh nhân. Bệnh viện còn chuẩn bị máy ECMO (thiết bị tim phổi nhân tạo) sẵn sàng khi cần thiết thì sử dụng.

Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết việc cứu sống được bênh nhân T. thật sự là kỳ dịệu.

ẢNH: DUY TÍNH

“Trắng đêm lọc máu, lọc vết thương, có lúc bi quan nghĩ bệnh nhân không qua khỏi vì diễn tiến nặng từng giờ, cả bệnh nhân cũng suy sụp. Bác sĩ các khoa đã tập trung để đưa bệnh nhân trở về với cuộc sống. Đây có thể nói là kỳ tích trong điều trị bệnh nhân bị rắn hổ chúa cắn”, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, nhận định.
TS.BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Bỏng - phẫu thuật tạo hình cho biết bệnh nhân P.V.T hoại tử từ đùi, hông và bìu, tầng sinh môn, diện tích da hoạt tử 5% cơ thể. Sau cắt lọc, các bác sĩ ghép da và tạo hình lại vùng bìu gần như bình thương. Về lâu dài, vết thương sẽ ảnh hưởng đến khớp háng, vận động hơi khó khăn nhưng sẽ được theo dõi, điều trị.

Nên làm gì khi bị rắn cắn ?

Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, bệnh nhân đã được truyền tất cả 20 lọ huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu và khoa Dược của bệnh viện đã cạn kiệt huyết thanh, và bệnh viện đã xúc tiến mua để dự trữ.
Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, việc người bị rắn hổ chúa cắn về được đến Chợ Rẫy "là rất hiếm" vì thời gian tử vong chỉ tính bằng phút.
Mỗi năm, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận từ 800 -1.000 ca rắn cắn, tỉ lệ tử vong các ca rắn độc cắn dưới 2%, chủ yếu do đến bệnh viện quá trễ, hoặc lại đi thầy lang chữa không khỏi nên mới đến bệnh viện. 
Nhiều người cho rằng khi bị rắn cắn thì "bứt cây cỏ xung quanh nhai thì sẽ lành?" Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, quan điểm “tương sinh tương khắc” này là "không có sơ sở khoa học" vì lúc con người bị cắn thường là lúc con rắn đi kiếm mồi, không phải môi trường ngay ổ rắn. Do vậy, nếu bứt nhai mà trúng cây độc như lá ngón thì có thể gây tử vong.
“Khi bị rắn cắn, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu”, TS.BS Lê Quốc Hùng khuyến cáo.

Lòng nhân ái đã cứu bệnh nhân

“Bệnh nhân "mang rắn hổ chúa vào phòng cấp cứu" đã được cứu sống từ tấm lòng nhân ái, từ người tài xế taxi chở anh đến bệnh viện, tới sự đóng góp của các nhà hảo tâm, phòng công tác xã hội bệnh viện, đến nỗ lực của các y, bác sĩ. Đáng quý hơn là bệnh nhân đã chia sẻ lại 1 phần tiền cho bệnh nhân nghèo bị ngộ độc thuốc điều trị tại bệnh viện”.TS.BS Lê Quốc Hùng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.