Bệnh nhân tiểu đường dễ bị các loại nhiễm trùng nào?

19/04/2023 00:06 GMT+7

Những người mắc bệnh tiểu đường sẽ dễ bị nhiễm trùng hơn so với người khỏe mạnh do lượng đường trong máu cao. Trong một số trường hợp, họ cũng có nguy cơ cao mắc các loại nhiễm trùng nặng.

Đường huyết cao thời gian dài và không kiểm soát sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch, gây tổn thương thần kinh, giảm lưu thông máu đến một số nơi trên cơ thể, làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng, theo chuyên trang sức khỏe Verywell Health (Mỹ).

4 loại nhiễm trùng bệnh nhân tiểu đường cần đề phòng vì dễ mắc - Ảnh 1.

Người bị bệnh tiểu đường sẽ dễ bị viêm tai, mũi và họng hơn người bình thường

MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Những căn bệnh viêm nhiễm mà người bị tiểu đường cần chú ý vì họ dễ mắc, gồm:

Nhiễm trùng da

Da bị viêm nhiễm vi khuẩn, nấm hay ngứa ngáy, khó chịu là vấn đề sức khỏe phổ biến. Tuy nhiên, những người mắc bệnh tiểu đường lại có nguy cơ cao mắc tình trạng này hơn. Với nhiều người không biết mình đang có tiểu đường thì chính những bất thường này trên da là dấu hiệu cảnh báo bệnh.

Ngoài ra, bệnh nhân tiểu đường còn có thể mắc các vấn đề về da khác như bệnh teo da tiểu đường, hoại tử da dạng mỡ. Nếu do vi khuẩn, họ có thể bị nhọt, viêm nang lông và viêm quanh móng.

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường chủ yếu do hệ miễn dịch của họ bị suy yếu, không còn đủ khỏe mạnh để kiểm soát các loại vi khuẩn như Escherichia coli, Klebsiella, Enterococcus và Candida. Họ cũng có nguy cơ cao hơn bị viêm bàng quang và viêm thận.

Viêm tai, mũi và họng

Bệnh nhân tiểu đường thường bị viêm tai, mũi và họng. Để ngăn chặn tình trạng này, điều quan trọng là phải kiểm soát được đường huyết. Nếu đường huyết tăng cao mà không kiểm soát thì viêm nhiễm trong cơ thể sẽ thêm nặng.

Nghiên cứu trên chuyên san Journal of Family and Community Medicine phát hiện những người bị tiểu đường sẽ có nguy cơ cao bị mất thính lực do bị tổn thương tai trong. Các tế bào lông ở tai trong sẽ không thể hoạt động hiệu quả nếu không được cung cấp đủ máu, cuối cùng sẽ dẫn đến mất thính giác.

Nhiễm nấm âm đạo

Nếu bệnh nhân tiểu đường để đường huyết tăng đột biến sẽ khiến nấm trong âm đạo phát triển quá mức và gây viêm nhiễm. Triệu chứng của nhiễm nấm âm đạo khá giống với bệnh lây truyền qua đường tình dục. Do đó, nếu xuất hiện bất thường thì người bệnh cần đến bác sĩ kiểm tra ngay, theo Verywell Health.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.