Bệnh nhân tử vong do dị ứng thức ăn, suy đa cơ quan

14/05/2018 21:12 GMT+7

Hội đồng chuyên môn kết luận bệnh nhân T. được chẩn đoán: phản vệ độ IV do dị ứng thức ăn. Nguyên nhân tử vong: tổn thương đa cơ quan (tim, phổi, gan) do sốc phản vệ.

Ngày 14.5, Sở Y tế TP.HCM đã có báo cáo cho Cục quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) về kết quả họp Hội đồng chuyên môn làm rõ quá trình khám, chữa bệnh và nguyên nhân tử vong của bệnh nhân L.N.T (30 tuổi) sau khi điều trị tại Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 và BV An Sinh TP.HCM.
Theo đó, Hội đồng chuyên môn kết luận bệnh nhân T. được chẩn đoán: phản vệ độ IV do dị ứng thức ăn. Nguyên nhân tử vong: tổn thương đa cơ quan (tim, phổi, gan) do sốc phản vệ.
Hội đồng chuyên môn đánh giá, lúc bệnh nhân S. vào BV An Sinh, được chẩn đoán là dị ứng thức ăn (phản vệ độ I) là phù hợp và đã xử trí đúng phác đồ theo Thông tư 51/2017 của Bộ Y tế. Lúc 20 giờ ngày 18.4, BV An Sinh đã theo dõi sát và phát hiện kịp thời sốc phản vệ; xử trí tiêm, Adrenalin tiêm dưới da thay vì tiêm bắp theo Thông tư 51/2017 của Bộ Y tế. Việc chẩn đoán sốc phản vệ do nguyên nhân dị ứng thức ăn, không nghĩ đến thuốc điều trị.
Sau đó diễn tiến bệnh nhân xấu rất nhanh, ngưng thở ngưng tim, BV đã cấp cứu kịp thời và hiệu quả. Tuy nhiên, BV nên hội chẩn liên viện. Việc rút nội khí quản và ngưng thở máy lúc 23 giờ 30 ngày 18.4 là sớm. Xử trí phù phổi cấp là phù hợp, nếu có điều kiện BV nên chụp X-quang phổi tại giường, kèm siêu âm tim đánh giá chức năng co bóp tim và thể tích máu để tìm và xử trí nguyên nhân phù phổi. BV An Sinh chuyển bệnh nhân sang BV Nhân dân 115 an toàn và có hội chẩn trước chuyển.
Tại BV Nhân dân 115, Hội đồng đánh giá tình trạng nhập viện lúc này là nặng, người bệnh thở máy, đang sử dụng thước vận mạch. BV chẩn đoán và xử trí sốc phản vệ, tổn thương đa cơ quan là phù hợp với phác đồ. Tổ chức hội chẩn nội viện và liên viện kịp thời. Xét nghiệm độc chất tìm thấy Chlopheniramin, Seduxen là những thuốc BV An Sinh đã sử dụng điều trị, liều lượng đúng.
Hội đồng chuyên môn rút kinh nghiệm chuyên môn đối với BV An Sinh là xử trí sốc phản vệ bằng tiêm bắp Adrenalin thay vì tiêm dưới da theo Thông tư 51/2017 của Bộ Y tế. BV An Sinh nên hội chẩn sớm ngay sau khi cấp cứu ngừng hô hấp tuần hoàn thành công. Tiếp tục cho bệnh nhân thở máy khi người bệnh có biểu hiện chống máy nhưng trình trạng còn nặng. Nên chụp X-quang phổi tại giường kèm siêu âm đánh giá chức năng co bóp cơ tim và thể tích máu để tìm và xử trí nguyên nhân phù phổi.
Thanh tra Sở Y tế TP sẽ căn cứ kết quả họp Hội đồng chuyên môn để trả lời cho gia đình bệnh nhân và giải quyết theo quy định.
Như Thanh Niên đã thông tin, tối 18.4, bệnh nhân T. đến BV An Sinh khám trong tình trạng ngứa, nổi mề đay, mạch và huyết áp bình thường. Bệnh nhân cho biết trước đó có ăn hải sản (tôm, cua, cá). Bệnh nhân được chẩn đoán nghi sốc phản vệ do di dứng thức ăn và được tiêm thuốc kháng dị ứng, nhập viện theo dõi.
Một giờ sau nhập viện bệnh nhân bỗng sốc, khó thở, tím tái, phù nề và ngưng tim, ngưng thở. Ngay lập tức bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy. Sau khi sốc tim 3 lần thì tim bệnh nhân đập trở lại và được dùng thuốc vận mạch. 3 giờ sau mạch, huyết áp bệnh nhân trở lại bình thường. Đến sáng ngày 19.4 bệnh nhân ăn cháo, nói chuyện. Đến 8 giờ 30 phút bệnh nhân lại đột ngột tụt huyết áp, khó thở phải đặt nội khí quản hỗ trợ thở máy, cấp cứu và chuyển viện đến BV Nhân dân 115…
Theo báo cáo của BV Nhân dân 115, người nhà cho biết người bệnh có ăn thịt bò, bánh tráng trộn, uống trà sữa, sau đó bị nổi mề đay khắp người và ngày càng tăng nên đến BV An Sinh để điều trị. BV cũng ghi nhận bệnh nhân có tiền sử dị ứng không rõ nguyên nhân. Tại khoa Hồi sức tích cực, chống độc của BV Nhân Dân 115, người bệnh được các y bác sĩ điều trị hồi sức tích cực nội khoa theo hướng sốc phản vệ và đã hội chẩn với các bác sĩ BV Chợ Rẫy. Tuy nhiên, bệnh diễn tiến nặng không hồi phục và bệnh nhân tử vong. BV Nhân dân 115 chẩn đoán bệnh nhân bị ngưng hô hấp tuần hoàn, sốc phản vệ, tổn thương đa cơ quan, viêm phổi, phù phổi tổn thương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.