Thông tin trên được TS-BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chia sẻ tại hội thảo hằng năm phòng chống ung thư TP.HCM lần thứ 26 diễn ra trong 2 ngày 7 - 8.12.
Bệnh nhân ung thư gia tăng và trẻ hóa
TS-BS Phạm Xuân Dũng cho biết, theo số liệu được công bố, nếu như năm 2012 thế giới có 14 triệu ca ung thư mới và 8,2 triệu bệnh nhân ung thư tử vong, thì đến năm 2020 ước tính có khoảng 19,3 triệu ca mới và 9,9 triệu bệnh nhân ung thư tử vong. Năm 2020, tại Việt Nam có khoảng 182.563 ca ung thư mới và 122.690 ca tử vong do ung thư.
Đáng lưu ý, năm 2020, Việt Nam xếp 91/185 nước (năm 2018 xếp 99/185) có số ca mắc mới và xếp 50/185 về số ca tử vong (năm 2018 xếp 56/185).
Riêng tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM thì tình hình bệnh nhân ung thư gia tăng. Trung bình mỗi năm có khoảng 20.000 ca ung thư mới đến khám, điều trị, nhưng năm 2023 đến tháng 11 đã có 30.000 ca ung thư mới, tăng 50%.
"Dù cần theo dõi và có thêm những nghiên cứu nhưng đã có những chứng cứ cho thấy khuynh hướng một số bệnh nhân ung thư có độ tuổi trẻ hơn, như ung thư vú, đại tràng và một số ung thư có xuất độ (số người mắc bệnh ung thư hằng năm trên 100.000 dân - PV) tăng như ung thư giáp, dạ dày, tiền liệt tuyến", TS-BS Dũng nói.
Thực trạng đáng cảnh báo nữa là Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 dù mới đưa vào hoạt động 1.000 giường nhưng đã quá tải.
Còn theo PGS-TS Bùi Diệu, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, ung thư đã và đang là thách thức không nhỏ của ngành y tế đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho khoảng 100 triệu dân và khoảng 180.000 ca mắc ung thư mới hàng năm. Các bệnh ung thư đứng đầu là gan, phổi, tiêu hóa, vú đang là thách thức cho ngành y nói chung và chuyên ngành ung thư nói riêng.
Vì sao bệnh ung thư gia tăng?
Về nguyên nhân bệnh ung thư gia tăng, TS-BS Phạm Xuân Dũng cho rằng, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng trên tất cả các lĩnh vực, đối với bệnh nhân ung thư theo các chuyên gia là rất nặng nề, là một trong những nguyên nhân khiến ung thư gia tăng.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong đại dịch thì việc quản lý, phục vụ liên quan đến chẩn đoán điều trị bệnh nhân ung thư giảm 50% ở tất cả các quốc gia. Tại châu Âu, trong 2 năm đại dịch tầm soát, chẩn đoán và điều trị ung thư đều chậm, ước tính 1 triệu ca không được chẩn đoán ung thư, do đó làm suy giảm kết quả điều trị và nhất là giảm số lượng nghiên cứu về ung thư. Tại Mỹ cũng ghi nhận giảm hàng chục triệu kiểm tra tầm soát và chẩn đoán trong ung thư vú.
Tại Việt Nam, trong đại dịch Covid-19, nhân viên y tế trong lĩnh vực ung thư của bệnh viện chuyên khoa hoặc đa khoa cũng tích cực tham gia chống dịch, việc này sẽ làm ảnh hưởng đến sự chăm sóc, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân ung thư.
"Tuy nhiên, điều đáng mừng là tại những bệnh viện, trung tâm điều trị ung thư lớn trong cả nước do có những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị nên một số bệnh lý ung thư đã được phát hiện sớm và cho kết quả điều trị tốt hơn. Các phương pháp phẫu thuật, xạ trị không chỉ hướng đến việc điều trị khỏi bệnh mà còn hướng đến chất lượng đời sống, thẩm mỹ cho bệnh nhân. Các bệnh viện lớn đã thực hiện được sinh học phân tử, bắt đầu đi vào điều trị cá thể hóa", TS-BS Dũng chia sẻ thêm.
Cần sớm xây dựng đề án về xạ trị proton
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế GS-TS Trần Văn Thuấn thông tin, tính đến tay, trên toàn quốc đã có 11 bệnh viện chuyên ngành ung thư với các trang thiết bị y tế hiện đại, trình độ chuyên môn ngang tầm với các nước trong khu vực và giới; 72 trung tâm, khoa, đơn vị ung bướu để khám chữa bệnh.
Ông Thuấn đề nghị Hội Ung thư Việt Nam cũng như các Hội ung thư thành viên phối hợp Bệnh viện K, các đơn vị đầu ngành về ung bướu xem xét, đề xuất với Bộ Y tế, với Chính phủ để chỉnh sửa, bổ sung chiến lược phòng chống ung thư phù hợp với tình hình hiện tại của Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc ứng dụng các kỹ thuật mới vào điều trị cho bệnh nhân ở Việt Nam như xạ trị proton. Cần sớm xây dựng đề án về xạ trị proton để trình Bộ Y tế phê duyệt (xạ trị proton hay còn gọi là liệu pháp proton trong xạ trị là một liệu pháp xạ trị ngoài sử dụng chùm hạt proton có năng lượng cao để điều trị ung thư tiên tiến nhất hiện nay - PV).
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân phòng chống bệnh tật, tham gia bảo hiểm y tế. Các bệnh viện cao chất lượng khám chữa bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin vào điều trị ung thư…
Theo TS-BS Phạm Xuân Dũng, cảnh báo của các chuyên gia châu Âu rằng chúng ta sẽ đối mặt với đại dịch ung thư trừ khi có những hành động khẩn cấp về nghiên cứu ung thư trong giai đoạn hiện nay.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã xây dựng chiến lược mạng lưới phòng chống ung thư, UBND TP.HCM cũng đã ra quyết định phê duyệt chiến lược về xây dựng chiến lược phòng chống ung thư. Các cơ sở y tế cũng đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao tay nghề y bác sĩ để đáp ứng khả năng điều trị ung thư.
Bình luận (0)