Ngày 11.11, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định cho biết các bác sĩ của bệnh viện này đã phẫu thuật lấy dị vật ra khỏi dạ dày cho một bệnh nhi 18 tháng tuổi.
Bệnh nhi này là cháu Đỗ Chiến P. (18 tháng tuổi, ở TP.Quy Nhơn, Bình Định), được gia đình đưa nhập viện vào ngày 7.11 vì phát hiện nuốt dị vật, cụ thể là một kim băng từ đêm hôm trước. Sau đó, bệnh nhi được chuyển đến khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định để theo dõi, điều trị.
Các bác sĩ nhận định đầu nhọn kim băng đã bị bật ra khỏi nắp bảo vệ và nằm kẹt ở vùng môn vị dạ dày của bệnh nhi nên rất ít có khả năng tự đào thải ra ngoài và sẽ gây biến chứng chảy máu, thủng đường tiêu hóa, viêm phúc mạc, nguy hiểm cho cháu bé. Vì vậy, cần can thiệp sớm để tránh biến chứng nguy hiểm cho trẻ.
Phim chụp X-quang bệnh nhi |
bệnh VIện cung cấp |
Phương pháp tốt nhất là trẻ được gây mê, có bác sĩ nội soi kinh nghiệm với dụng cụ chuyên dụng để lấy kim băng qua đường miệng. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn có khả năng thất bại do phần đầu nhọn kim băng đã bung phần bảo vệ nên khó rút ngược và có thể gây chảy máu, thủng thực quản khi lấy kim băng. Lúc này, em bé cũng phải được mổ mở để lấy dị vật và nguy cơ hơn.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định chưa có hệ thống nội soi tiêu hóa chuyên cho bệnh nhi và việc chuyển bệnh đến tuyến trên cần thời gian dài di chuyển (kim có thể gây thủng ruột trong thời gian này).
Vì vậy, sau khi giải thích cho gia đình, kíp mổ do BS Phan Xuân Cảnh và cử nhân Nguyễn Văn Chung phụ trách đã phẫu thuật thành công, lấy kim băng ra khỏi dạ dày trẻ (lúc này đầu nhọn kim đã ghim vào thành dạ dày). Hiện tại sức khỏe bé ổn định và đang hồi phục.
Kỹ thuật mổ cho trường hợp này không quá khó. Nhưng với điều kiện hiện tại của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định thì đây là cách điều trị tối ưu và an toàn nhất cho trẻ.
Phẫu thuật lấy kim băng ra khỏi người bệnh nhi |
bệnh viện cung cấp |
Theo BS Phạm Xuân Cảnh, đa số dị vật đường tiêu hóa ở trẻ em sẽ tự đào thải ra ngoài. Tuy nhiên, những dị vật sắc nhọn, nam châm… cần phải được can thiệp sớm để lấy ra khỏi đường tiêu hóa trẻ vì sẽ có nguy cơ gây biến chứng rất cao.
Các bác sĩ khuyến cáo trẻ cần được nhập viện theo dõi khi phát hiện có nuốt dị vật. Để phòng ngừa tai nạn do trẻ nuốt dị vật vào đường thở hoặc đường tiêu hóa, gia đình cần để những vật dụng, đồ chơi có kích thước nhỏ, vật sắc nhọn ra xa khỏi tầm tay của trẻ.
Bình luận (0)