Tại giải nhảy cầu thuộc khuôn khổ Đại hội TDTT vừa tổ chức tại Cung thể thao dưới nước Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình vào giữa tháng trước, đã xảy ra một chuyện lạ có thật: Một nam VĐV của Quảng Ninh (QN) đã thi đấu rất xuất sắc và đoạt HCV, nhưng khi phóng viên phỏng vấn HLV đoàn QN thì bà không hay biết VĐV đó là ai, bao nhiêu tuổi và tập luyện cho QN từ bao giờ (!?). Sở dĩ có điều quá đỗi ngạc nhiên này vì VĐV vừa đoạt HCV nói trên thực chất là quân của đoàn Hà Nội và được ngành thể thao QN “mượn tạm” với mục đích giúp đơn vị mình không bị “thua chị kém em”. Một cán bộ lâu năm của Tổng cục TDTT chua chát cho biết, ngành rất khó thẩm định được tiềm năng cũng như sự phát triển thực sự của thể thao các địa phương nếu “bộ mặt” thật bị che đậy bởi thành tích ảo. Vị cán bộ này e ngại, tình trạng mượn tạm VĐV để tính thành tích không xảy ra đơn lẻ như ở môn nhảy cầu mà còn có thể diễn ra ở môn wushu, cử tạ… (những môn sắp được tổ chức). Có thông tin xác thực giá chung mà một số đơn vị đưa ra để mượn quân là 50 triệu đồng/người.
Cũng vì bệnh thành tích mà nhiều đơn vị đã “cắt bỏ” cả trách nhiệm, quyền lợi đối với tuyển quốc gia của chính VĐV mình đang quản lý. Giải vô địch bóng bàn Đông Nam Á vừa kết thúc tại Campuchia vào ngày 6.11 và VN không đạt thành tích cao. Đơn giản vì đội tuyển bóng bàn VN thiếu vắng một số trụ cột như Đinh Quang Linh, Lê Tiến Đạt, Dương Văn Nam (Quân đội), Nguyễn Văn Ngọc, Đoàn Bá Tuấn Anh (Hải Dương) do họ đang được các các cơ quan chủ quản cử đi tập huấn tại Trung Quốc chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc lần 7. Nhìn sang môn bóng chuyền, phụ công hàng đầu châu Á Nguyễn Thị Ngọc Hoa dù đang bận rộn với giải vô địch bóng chuyền Thái Lan nhưng ngôi sao đang khoác áo CLB Bangkok Gross (Thái Lan) này sẽ phải về nước vào mấy ngày tới để thi đấu trong màu áo Bình Điền Long An. Bất đắc dĩ hợp đồng của chị với CLB nước ngoài này phải tạm ngưng trong tháng 12. Giải bóng chuyền năm nay không có đối thủ cực mạnh là Ngân hàng Công thương nên Long An bằng mọi cách phải “kéo” quân về, hòng cạnh tranh ngôi vô địch với các CLB khác.
Dù Đại hội TDTT 4 hoặc 5 năm tổ chức một lần, nhưng nhiều địa phương vì bệnh thành tích không thiết tha đào tạo mà chỉ chuyên “ăn đong”. Nhiều địa phương thuộc diện “hộ nghèo” như Phú Thọ, Lào Cai cũng cử quân tập huấn nước ngoài ngắn hạn. Được biết, năm nay khoản tiền mà Thanh Hóa dồn để các đội ra nước ngoài tập huấn đã tăng đột biến lên mức 15 tỉ đồng. Tuy nhiên, để phục vụ cho tranh chấp thành tích trước mắt nên những chuyến tập huấn này thường không mang lại hiệu quả chuyên môn thực sự cao.
Lan Phương
>> Bệnh thành tích cản trở tính tự giác của giới trẻ
>> Bệnh thành tích đã quá nặng
>> Còn bệnh thành tích thì còn lãng phí
>> Bệnh thành tích
>> Cuối năm, lại nói về bệnh thành tích
>> Người trẻ và nỗi đau bệnh thành tích
>> Bệnh thành tích đã lan rộng!
Bình luận (0)