Bệnh tiết niệu: Việt Nam thuộc 'vành đai sỏi' của thế giới

08/09/2023 15:47 GMT+7

Thông tin trên được lãnh đạo Bộ Y tế, các chuyên gia về bệnh tiết niệu nêu lên tại Hội nghị Tiết niệu Đông Nam Á 2023 (FAUA 2023) diễn ra tại TP.HCM vào ngày 8.9.

Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, theo thư viện y học quốc gia Mỹ thì khu vực Đông Nam Á bị sỏi tiết niệu cao nhất thế giới, với tỷ lệ từ 5 - 19%. Riêng Việt Nam ghi nhận có từ 2 - 12% dân số bị sỏi tiết niệu, trong đó sỏi thận chiếm 40%.

Số liệu này đã xếp Việt Nam vào vị trí các nước thuộc "vành đai sỏi" trên thế giới khi rất nhiều người bị sỏi và khi mắc bệnh này thì kéo theo nhiều tình trạng nhiễm trùng, ung thư, bướu, bế tắc đường tiểu, suy thận…

Bệnh tiết niệu: Việt Nam 'vành đai sỏi' của thế giới - Ảnh 1.

Một ca mổ nội soi bệnh tiết niệu

CTV

Tại Việt Nam, ung thư tiền liệt tuyến đứng hàng thứ 11 với gần 4.000 ca mắc mới và có tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 13. Tuy nhiên, bệnh thường tiến triển chậm nên nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, kết quả rất khả quan.

Với bệnh thận, cả nước có khoảng 5 triệu người mắc bệnh và mỗi năm phát hiện thêm 8.000 ca mắc mới.

Lý giải nguyên nhân gia tăng bệnh lý tiết niệu , lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng do nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu do lối sống, thói quen uống ít nước, ăn mặn, nhiễm trùng tiết niệu, mắc các bệnh chuyển hóa, ít vận động… Các nước trong khu vực ASEAN có nhiều điểm chung giống nhau về chủng tộc, tình hình kinh tế, địa lý tương đồng, từ đó tương đồng cả về cơ cấu bệnh về tiết niệu.

Theo PGS-TS Lê Đình Khánh, Chủ tịch Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam, hiện tại có 2 bệnh lý tiết niệu lành tính điều trị nhiều nhất tại bệnh viện là sỏi tiết niệu, tăng sinh tuyến tiền liệt. Bên cạnh đó là các bệnh ác tính về tiết niệu cũng đang gia tăng như ung thư bàng quang, ung thư tuyến tiền liệt…

PGS-TS Lê Đình Khánh khuyến cáo người dân cần có lối sống lành mạnh, uống nước đủ và tầm soát định kỳ phòng bệnh đường tiết niệu. Khi có bất thường về đường tiết niệu thì nhanh chóng đến cơ sở y tế kiểm tra, phát hiện bệnh và điều trị sớm.

PGS-TS Vũ Lê Chuyên, Giám đốc Trung tâm Tiết niệu Thận học - Nam khoa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, thông tin thêm Việt Nam và các nước Đông Nam Á có nhiều điểm chung là tỷ lệ dân số mắc các bệnh về tiết niệu - thận - sỏi thuộc dạng cao của thế giới.

Nhưng Việt Nam đã phát triển, ứng dụng thành công về những kỹ thuật chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tiết niệu ngang tầm khu vực, thế giới.

"Chúng ta có hầu hết những kỹ thuật điều trị tiên tiến trên thế giới, kể cả phẫu thuật nội soi và phẫu thuật nội soi có sự hỗ trợ của robot, những kỹ thuật hỗ trợ sức khỏe sinh sản liên quan đến đường tiết niệu. Những kỹ thuật này chúng ta tự tin rằng đã sánh ngang với các nước trong khu vực", PGS-TS Vũ Lê Chuyên khẳng định.

Từ ngày 7 đến 9.9, tại TP.HCM, diễn ra Hội nghị Tiết niệu Đông Nam Á 2023 (FAUA 2023). Đây là lần thứ 2 Việt Nam tổ chức Hội nghị FAUA (lần đầu cách đây 14 năm). Hội nghị do Viện nghiên cứu Tâm Anh (TAMRI) thuộc hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Anh được trao đăng cai tổ chức. Giáo sư Samuel Vincent G.Yrastorza , Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Tiết niệu Đông Nam Á cũng đến dự.

Hội nghị FAUA 2023 với chủ đề: Kết nối - đổi mới - phát triển với hơn 500 đại biểu tham dự là các giáo sư, bác sĩ và nhân viên y tế trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực tiết niệu, thận học và các chuyên khoa sâu như phẫu thuật robot, phẫu thuật nội soi, tạo hình trong tiết niệu, nhiễm khuẩn niệu, ung thư đường tiết niệu, ghép thận, nam khoa, niệu nữ/niệu chức năng...

Hội nghị FAUA 2023 có sự tham dự và báo cáo của các chuyên gia đến từ Liên đoàn Tiết niệu Đông Nam Á, Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam và Hội Tiết niệu Thận học TP.HCM, các bệnh viện uy tín trong nước. Đặc biệt, còn có sự tham gia, báo cáo của các chuyên gia đầu ngành đến từ Hiệp hội Tiết niệu châu Âu, Hiệp hội Tiết niệu Úc và New Zealand, Trung tâm y tế Asan Hàn Quốc, nhóm giảng dạy và tập huấn phẫu thuật tiết niệu châu Á...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.