Tuy nhiên, những ca mắc tiểu đường không giảm đi mà còn có xu hướng tăng lên, các chuyên gia cho rằng Covid-19 có thể là một trong những nguyên nhân.
Cứ 10 người trưởng thành có 1 người mắc bệnh tiểu đường
CNN ngày 14.11 đưa tin, dù đã có nhiều tiến bộ trong điều trị, giáo dục và phòng ngừa, tuy nhiên đến nay thống kê vẫn cho thấy sự gia tăng đáng kể bệnh nhân mắc tiểu đường.
Theo số liệu do Liên đoàn Tiểu đường quốc tế (IDF), hiện trên thế giới có khoảng 537 triệu người mắc bệnh tiểu đường, tỷ lệ này hiện là 1/10, nghĩa là cứ 10 người trưởng thành sẽ có 1 người mắc bệnh tiểu đường. IDF dự đoán đến năm 2024, tỷ lệ này sẽ tăng thành 1/8, tức cứ 8 người trưởng thành sẽ có 1 người mắc bệnh.
Chế độ ăn lành mạnh cho người bị bệnh tiểu đường |
shutterstock |
CNN dẫn lời Chủ tịch IDF - tiến sĩ Andrew Boulton: “Vì thế giới đang đánh dấu kỷ niệm 100 năm sáng chế ra insulin, tôi ước gì mình có thể nói rằng chúng ta đã ngăn chặn được làn sóng gia tăng của bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, trên thực tế, bệnh tiểu đường hiện đang trở thành một cơn đại dịch chưa từng có”.
Theo ước tính của IDF, trong năm 2021, trên toàn thế giới đã có 7 triệu người trưởng thành tử vong do bệnh tiểu đường hoặc các biến chứng của nó. Con số này còn chưa tính đến số người tử vong do Covid-19, vì đây cũng được cho là một trong những nguyên nhân gây tử vong cho người mắc bệnh tiểu đường.
40% bệnh nhân tử vong do covid-19 là người mắc bệnh tiểu đường
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 2.2021 cho thấy Covid-19 có thể làm tăng gấp 3 nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong đối với những người mắc bệnh tiểu đường thể 1 hoặc 2. Tiến sĩ Robert Gabbay, Giám đốc khoa học và y tế của Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, cho biết: “Theo số liệu thống kê, có tới 40% bệnh nhân tử vong do Covid-19 là người mắc bệnh tiểu đường”.
Tiến sĩ Robert Gabbay cho biết thêm có thể nhiều người đã phát triển bệnh tiểu đường vì Covid-19. Một phân tích toàn cầu được công bố vào năm 2020 cho thấy có tới 14% số người nhập viện vì bệnh Covid-19 nặng sau đó phát triển thành bệnh tiểu đường. Một đánh giá khác được công bố vào tháng 10 vừa qua đã tìm thấy các trường hợp về bệnh tiểu đường thể 1 hoặc 2 mới khởi phát ở trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn bị nhiễm Covid-19.
Với các số liệu thống kê đáng lo ngại như vậy, các chuyên gia khuyến cáo làn sóng Covid-19 có thể góp phần khiến đại dịch này trở nên nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, tiến sĩ Gabbay cho rằng Covid-19 cũng có thể không phải là nguyên nhân gây bệnh tiểu đường, bởi những bất thường về lượng đường trong máu có thể là do sự căng thẳng và do các steroid được sử dụng để chống lại chứng viêm do mắc Covid-19, hoặc một nguyên do khác là những bệnh nhân đó đã mắc tiền tiểu đường nhưng chưa được chẩn đoán. IDF ước tính rằng trong số 537 triệu người trưởng thành sống chung với bệnh tiểu đường trên khắp thế giới, gần một nửa (44,7%) chưa được chẩn đoán bệnh.
Để giảm bớt các ca bệnh tiểu đường ngày càng gia tăng, bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm hơn, nhất là trong giai đoạn tiền tiểu đường bởi đây là giai đoạn trước khi cơ thể bắt đầu bị tổn thương do lượng đường trong máu không đều; và trong giai đoạn này, người bệnh cũng dễ thay đổi lối sống trong sinh hoạt hơn.
Tiến sĩ Robert Gabbay cho biết bệnh tiểu đường có thể thuyên giảm nếu người bệnh có chế độ ăn hợp lý, luyện tập đầy đủ và sử dụng thuốc đúng cách. Những người ở giai đoạn thuyên giảm vẫn có thể có nguy cơ mắc một số biến chứng lâu dài. Vì vậy, họ vẫn cần được theo dõi bằng các xét nghiệm máu mỗi quý, kiểm tra mắt và chân, tầm soát bệnh thận và mức cholesterol hằng năm.
Bình luận (0)