Insulin là loại hoóc môn tự nhiên trong cơ thể do tuyến tụy tiết ra. Nhờ có insulin mà đường glucose trong máu được vận chuyển vào tế bào, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Tùy vào loại insulin sử dụng để biết khi nào thuốc bắt đầu có hiệu quả |
SHUTTERSTOCK |
Khi tuyến tụy hoạt động bất thường thì lượng insulin tiết ra sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Tình trạng này dẫn đến bệnh tiểu đường. Nếu không điều trị, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như bệnh võng mạc, bệnh thận, lở loét bàn chân, tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Với bệnh nhân tiểu đường, bác sĩ có thể sẽ kê insulin để bù đắp lượng insulin mà cơ thể thiếu hụt. Khi đó, người dùng insulin sẽ cần biết mất bao lâu để thuốc có hiệu quả.
Loại insulin bác sĩ kê sẽ phụ thuộc vào loại tiểu đường và lượng đường trong máu bệnh nhân. Có nhiều thuốc insulin. Mỗi loại cũng sẽ có hiệu quả nhanh chậm khác nhau.
Loại insulin tác dụng nhanh còn được gọi là insulin lispro. Thuốc cần 5 đến 15 phút để phát huy hiệu quả và có thể kéo dài từ 3 đến 4 giờ.
Trong khi đó, loại insulin tác dụng ngắn thường sẽ có hiệu quả trong vòng 30 phút sau khi tiêm, kéo dài từ 5 đến 8 giờ. Insulin tác dụng trung gian thường có tác dụng trong vòng 1 đến 3 giờ, kéo dài từ 16 đến 24 giờ.
Loại cuối cùng là insulin tác dụng kéo dài. Thời gian để thuốc bắt đầu có tác dụng là từ 4 đến 6 giờ sau khi sử dụng, hiệu lực kéo dài từ 24 đến 28 giờ.
Bên cạnh đó, tốc độ hấp thụ thuốc insulin của mỗi người có thể khác nhau. Điều này phụ thuộc vào vị trí tiêm, nồng độ insulin và tần suất tiêm.
Insulin thường được tiêm vào cơ thể ở các vị trí như bụng, đùi và cánh tay. Tiêm ở bụng thì thuốc sẽ có tác dụng nhanh nhất, chậm hơn là ở cánh tay, cuối cùng là đùi.
Nguyên nhân chính khiến insulin chỉ có dạng tiêm, không có dạng uống là vì thuốc sẽ hấp thu kém hơn nếu đi vào cơ thể qua đường tiêu hóa. Hệ tiêu hóa sẽ phân hủy insulin trước khi chúng bắt đầu có hiệu lực, theo Healthline.
Bình luận (0)