Bệnh viện 'bó tay' nhìn đống thiết bị kỹ thuật cao 'đắp chiếu'

08/11/2022 17:15 GMT+7

Cả ngàn bệnh nhân cần được chẩn đoán, điều trị mỗi ngày trong khi hàng loạt hệ thống máy hiện đại phải dừng hoạt động, đang là thực tế tại Bệnh viện Bạch Mai - bệnh viện hạng đặc biệt.

TS-BS Nguyễn Quang Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết hệ thống Gamma knife (dao gamma, sử dụng tia gamma để điều trị u não và các bất thường não khác mà không cần phẫu thuật xâm lấn) được Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu ứng dụng trong điều trị, là một trong mũi nhọn về kỹ thuật của Bệnh viện Bạch Mai và của cả nước.

Với các tổn thương trong não liên quan u sâu, di căn não, nếu phẫu thuật mổ mở tăng nguy cơ tai biến, thì dao gamma là phương pháp mổ mà không can thiệp, cực kỳ hiệu quả. Năm 2007 thiết bị này về đến Bạch Mai, đến 2018 đã điều trị cho hơn 6.000 ca. Nhưng bây giờ thì “đắp chiếu” ”, bác sĩ Hùng bày tỏ.

Từ nhiều tháng qua, hệ thống dao gamma phẫu thuật u não không xâm lấn tại Bệnh viện Bạch Mai đã dừng hoạt động

LIÊN CHÂU

Với hệ thống PET CT, bác sĩ Hùng cũng cho hay, hệ thống này cho phép đánh giá chính xác giai đoạn bệnh trong điều trị ung thư, giúp người bệnh ung thư được chẩn đoán kịp thời, không bị bỏ sót. Tại Bệnh viện Bạch Mai, các năm trước, trung bình mỗi năm khoảng 2.000 ca được chẩn đoán với thiết bị này.

Theo bác sĩ Hùng: “Nếu chỉ để đó, không sử dụng thì nguồn phóng xạ của máy cũng vẫn bị tiêu hao, không sử dụng được nữa, khi đó phải mua nguồn mới rất tốn kém, hàng tỉ đồng, mà người bệnh lại không được sử dụng. Chúng ta đang để phí tài sản lớn và cần thiết trong chẩn đoán điều trị ung thư. Mà máy móc thì không có tội”.

Bệnh viện cần hàng ngàn tỉ đồng để đầu tư mới

Theo PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết do thiếu các quy định về pháp lý, hầu hết các thiết bị xã hội hóa của bệnh viện đã dừng hoạt động. Toàn bộ hệ thống máy chẩn đoán ung thư, hệ thống thiết bị điều trị phẫu thuật không chảy máu như dao gamma đều dừng hoạt động từ nhiều tháng qua. Hệ thống phẫu thuật robot trong phẫu thuật thần kinh, cột sống trước đây là các máy liên danh liên kết cũng đã dừng hoạt động do thiếu hành lang pháp lý.

Ông Cơ đánh giá: “Bệnh viện Bạch Mai cần hàng ngàn tỉ đồng để mua sắm trang thiết bị, nâng cấp cơ sở hạ tầng là các tòa nhà đã có vài chục đến cả trăm năm tuổi. Sau thời gian tự chủ toàn diện, nguồn thu giảm rất thấp, bệnh viện hiện đã cạn kiệt nguồn kinh phí, không có tiền mua máy móc. Thu nhập tăng thêm của cán bộ y tế cũng giảm dù bệnh nhân đông hơn”.

“Nhiều bác sĩ giỏi đã rời Bệnh viện Bạch Mai sang khu vực y tế tư nhân vì họ không thể chờ đợi thay đổi. Mức lương được bệnh viện tư nhân trả từ 200 đến 300 triệu đồng/tháng/bác sĩ, chuyên gia giỏi. Với y bác sĩ, thu nhập là một phần, nhưng quan trọng nữa là có đủ điều kiện thiết bị máy móc để được làm chuyên môn”, ông Cơ bày tỏ.

Bệnh viện Bạch Mai cần hàng ngàn tỉ đồng nâng cấp cơ sở vật chất và mua sắm máy móc, thiết bị điều trị

LIÊN CHÂU

Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản 7499/VPCP-KGVX (văn bản 7499) ngày 7.11 về việc thực hiện thí điểm tự chủ bệnh viện theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19.5.2019. Theo đó, bệnh viện sẽ làm rõ vướng mắc cần khắc phục; nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với các tồn tại và đề xuất các cơ chế, chính sách cần sửa đổi để hoàn thiện cơ chế tự chủ.

Sau 2 năm thí điểm tự chủ toàn diện, Bệnh viện Bạch Mai sẽ thực hiện theo cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế - dân số tại Nghị định 60. Theo quy định tại Nghị định 60, Bệnh viện Bạch Mai đủ điều kiện thực hiện tự chủ nhóm 2, là chỉ tự chủ về chi thường xuyên, trong đó có chi trả lương, thưởng và các chi phí khác cho người lao động, không phải chi đầu tư mua sắm thiết bị y tế, chi đầu tư xây dựng cơ bản.

Về lâu dài, việc hoàn thiện các quy định, cơ chế, giá dịch vụ y tế sẽ là điều kiện để bệnh viện công thực hiện tự chủ khi đủ điều kiện.

Bệnh viện Bạch Mai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.