Kiểm soát sử dụng thuốc, đánh giá mô hình bệnh tật
Theo Bộ Y tế, hôm nay 2.8, các đơn vị liên quan của Bộ Y tế và Bộ TT-TT sẽ có cuộc họp về tiến độ triển khai Đề án 06 của Chính phủ, trong đó có các vấn đề về chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.
Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), bệnh án điện tử với việc triển khai kê đơn thuốc điện tử là một trong những vấn đề được quan tâm triển khai, hướng đến bệnh viện thông minh, bệnh viện không giấy tờ, giúp nâng cao chất lượng điều trị, minh bạch thông tin. Đó là một trong những trọng tâm của chuyển đổi số ngành y tế trong thực hiện Đề án 06.
PGS - TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), đánh giá chuyển đổi số trong y tế không phải là vấn đề xa xôi mà gắn liền với lợi ích thiết thực của bệnh viện, thầy thuốc và người dân. Trong đó, đơn thuốc hay bệnh án điện tử, bệnh viện thông minh, bệnh viện không giấy tờ là mục tiêu hướng đến. Nếu chuyển từ viết tay sang đánh máy, người dân không còn phải "đau đầu" dịch đơn thuốc, trong trường hợp đơn ghi tay có chữ viết khó đọc.
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai đơn thuốc điện tử còn giúp các bệnh viện kiểm soát việc kê đơn; dự trù, lập kế hoạch số lượng thuốc cho từng năm, giai đoạn; quản lý sử dụng kháng sinh, hạn chế tình trạng kháng kháng sinh…
Một chuyên gia y tế cũng nhìn nhận, qua xu hướng sử dụng thuốc thể hiện minh bạch trên các đơn được lưu, cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn cũng có thể đánh giá được mô hình bệnh tật, xu hướng bệnh tật trong cộng đồng, là dữ liệu tham khảo trong quá trình xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh dịch.
Tổng hợp toàn bộ thuốc người bệnh sử dụng
Theo Thông tư 04/2022/TT-BYT (sửa đổi Thông tư 27/2021/TT-BYT về quy định kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử) do Bộ Y tế ban hành, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử theo theo lộ trình với từng nhóm hạng bệnh viện.
Đơn thuốc điện tử được lập, hiển thị, ký số, chia sẻ và lưu trữ bằng phương thức điện tử có giá trị pháp lý như đơn thuốc giấy. Khi bác sĩ kê đơn thuốc sẽ thao tác trên máy và in ra cho bệnh nhân, đồng thời lưu lại trên hệ thống.
Để thực hiện, tại Thông tư 27/2021/TT-BYT, Bộ Y tế yêu cầu sở y tế tỉnh, thành và cơ quan quản lý y tế các bộ, ngành chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đối với các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý; cấp mã định danh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và mã người hành nghề cho đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý thông qua hệ thống đơn thuốc quốc gia.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin gửi đơn thuốc điện tử lên hệ thống đơn thuốc quốc gia theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế ngay sau khi kết thúc quy trình khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh ngoại trú và trước khi người bệnh ra viện đối với người bệnh nội trú. Tổng hợp toàn bộ thuốc người bệnh sử dụng trong quá trình điều trị nội trú và gửi lên hệ thống đơn thuốc quốc gia trước khi người bệnh ra viện.
Cùng với các bệnh viện, cơ sở bán lẻ thuốc có trách nhiệm tiếp nhận đơn thuốc điện tử và gửi báo cáo việc cấp, bán thuốc theo đơn.
Sẽ quy định bắt buộc lưu đơn
Theo Bộ Y tế, cả nước có khoảng gần 60.000 cơ sở khám, chữa bệnh (công lập và ngoài công lập). Trong đó, các cơ sở khám bệnh đã dùng phần mềm quản trị đơn thuốc nhưng không đồng nhất và liên thông.
Thời hạn thực hiện liên thông dữ liệu đơn thuốc điện tử với hệ thống đơn thuốc quốc gia đối với bệnh viện từ hạng 3 trở lên hoàn thành trước ngày 31.12.2022; đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác hoàn thành trước ngày 30.6 vừa qua.
"Quy định trên đã gia hạn thêm 6 tháng so với yêu cầu trước đó nhưng đến nay, việc thực hiện vẫn chưa đồng nhất tại các bệnh viện", một chuyên gia y tế cho hay.
Theo thống kê trên hệ thống, đến tháng 7, khoảng 50 triệu đơn thuốc được cập nhật, trong khi thực tế ước khoảng 200 triệu đơn (bao gồm cả công lập và ngoài công lập), với khoảng 86.000 bác sĩ đã cập nhật trên phần mềm định danh.
Hiện có khoảng 13.000 cơ sở đang thực hiện liên thông, lưu đơn thuốc trên hệ thống đơn thuốc quốc gia trong số các cơ sở khám, chữa bệnh cần thực hiện.
Tại tuyến T.Ư, có bệnh viện đầu ngành chưa triển đầy đủ các đơn thuốc được kê, với lý do được phản ánh: "Bệnh viện có cả nghìn bác sĩ nên chưa thể cập nhật được hết dữ liệu cá nhân lên hệ thống, do đó chưa thể liên thông hết các dữ liệu đơn thuốc điện tử tại bệnh viện với hệ thống đơn thuốc quốc gia".
Theo PGS - TS Lương Ngọc Khuê, kê đơn thuốc điện tử, lưu đơn trên hệ thống là vấn đề được Bộ Y tế quan tâm và chỉ đạo, các bệnh viện cần tăng cường triển khai trong thời gian tới.
Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo nghị định hướng dẫn thực hiện luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, trong đó có quy định về kê đơn thuốc. Dự kiến, kê đơn thuốc điện tử và lưu đơn trên hệ thống dữ liệu đơn thuốc quốc gia sẽ là quy định bắt buộc.
Xem nhanh 12h ngày 2.8: Bản tin thời sự toàn cảnh
Bình luận (0)