Bệnh viện Chợ Rẫy cám ơn Chính phủ, Bộ Y tế vì trang thiết bị y tế hết 'đứng hình'

23/03/2023 15:58 GMT+7

Sau 20 ngày Nghị quyết 30 và Nghị định 07 năm 2023 của Chính phủ ra đời, nhiều trang thiết bị y tế bị hư đã được Bệnh viện Chợ Rẫy sửa chữa để phục vụ bệnh nhân.

Ngày 23.3, Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin về hiệu quả khi áp dụng Nghị định 07/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98 năm 2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết 30/2023 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế trong khám chữa bệnh.

Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cảm ơn Chính phủ, Bộ Y tế, các bộ, ngành đã giải quyết kịp thời, giúp bệnh viện mua sắm, sửa chữa trang thiết bị y tế phụ vụ bệnh nhân.

Bệnh viện Chợ Rẫy sửa xong máy CT-Scanner cấp cứu, 3 máy xạ trị, 2 máy MRI - Ảnh 1.

Bệnh viện Chợ Rẫy đã sửa xong máy chụp CT-Scanner cấp cứu

DUY TÍNH

Hiệu quả của Nghị quyết 30 ra sao?

TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, Nghị quyết 30/2023 đã cho phép thanh toán bảo hiểm y tế xét nghiệm thực hiện trên máy đặt, máy mượn.

"Giả sử thiếu thiết bị y tế, thuốc thì tình thế kẹt lắm người bệnh có thể mua ở ngoài, nhưng ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh. Nhưng thiếu hóa chất thì bệnh viện tê liệt vì không chẩn đoán được bệnh và nguy cơ đóng cửa bệnh viện là hiển hiện. Quy định này đã giải tỏa được rất lớn trong công tác chẩn đoán bệnh, mang lại lợi ích lớn cho người bệnh", TS-BS Nguyễn Tri Thức chia sẻ.

Cũng theo TS-BS Nguyễn Tri Thức, Nghị quyết 30/2023 đã mở trong lĩnh vực xét nghiệm. Xa hơn nữa, về mặt xã hội hóa, khi nhà nước chưa đủ nguồn lực kinh tế, cơ chế thuê thì thực hiện máy mượn, máy đặt là thích hợp nhất, rất có lợi ích cho bệnh nhân bảo hiểm y tế, cho nhà nước.

Tiếp đó, Nghị định 07/2023 đã hướng dẫn cụ thể hơn trong xây dựng giá gói thầu. Từ đó Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã sửa được máy CT-Scanner tại khoa Cấp cứu vốn đã hư từ ngày 19.1. Sau 2 tháng ngưng hoạt động, máy này đã sửa xong và hoạt động lại từ ngày 22.3. Bệnh nhân cấp cứu, nội trú không còn phải chuyển qua khu khác của bệnh viện để chụp nữa.

Như vậy, hiện tại đã có 2 máy CT-Scanner hoạt động. Đầu tháng 4, bệnh viện sẽ sửa được 4 máy còn lại sau khi đấu thầu vật tư, thiết bị thay thế xong.

Bệnh viện Chợ Rẫy sửa xong máy CT-Scanner cấp cứu, 3 máy xạ trị, 2 máy MRI - Ảnh 2.

TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy

DUY TÍNH

"Thời điểm trước, chúng tôi chỉ còn 1 máy CT-Scanner hoạt động để chụp cho bệnh nhân nội trú, cấp cứu với tần suất 24/24 nên nguy cơ máy hư là rất cao. Chúng tôi như ngồi trên đống lửa", TS-BS Nguyễn Tri Thức chia sẻ.

Bệnh viện Chợ Rẫy có tổng cộng có 5 máy xạ trị đều hư, khi áp dụng Nghị định 07/2023 thì đã sửa được 3 máy. Còn 2 máy, bệnh viện đang tiếp tục đấu thầu mua sắm thay thế linh kiện. Khi máy xạ trị được sửa chữa xong thì bệnh viện sẽ tập trung vào phát triển kỹ thuật cao.

"Tại Bệnh viện Chợ Rẫy có 300 bệnh nhân xạ trị/ngày. Mỗi ngày 1 máy xạ trị sẽ thực hiện từ 60 - 80 bệnh nhân. Nếu máy hư dồn hết về 1 máy thì sẽ nguy cơ máy hư tiếp", đại diện Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy nói.

Vị này cho rằng, việc mua sắm, sửa được máy xạ trị là điều rất mừng và hạnh phúc rất lớn của người bệnh ung thư sau thời gian chờ đợi, hoãn xạ trị hoặc điều trị bằng phương pháp thay thế khác.

2 máy MRI (cộng hưởng từ) của bệnh viện cũng sửa xong và đưa vào sử dụng. Hiện tổng cộng 3 máy MRI đều hoạt động.

"Trước khi Nghị quyết 30/2023 của Chính phủ ra đời, chúng tôi không đấu thầu được 57% vật tư y tế do thiếu bảng báo giá, giờ đã thông tốt rồi. Chỉ còn loại vật tư không ai tham gia nên không đấu thầu được, đó là tình trạng chung của các bệnh viện", bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch - tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin thêm.

Cũng theo bác sĩ Việt, hiện các gói thầu phải làm lại từ đầu nên cần có thời gian, nhưng bệnh viện sẽ giải quyết tốt.

Bệnh viện Chợ Rẫy sửa xong máy CT-Scanner cấp cứu, 3 máy xạ trị, 2 máy MRI - Ảnh 5.

Chụp CT-Scanner cho bệnh nhân

DUY TÍNH

"Riêng thuốc đã có Nghị quyết 80/2023 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ 1.1.2023 đến 31.12.2024 và đã đấu thầu ổn định. Các quy định đấu thầu thuốc đã rõ ràng, chi tiết, các bệnh viện không băn khoăn hay sợ về đấu thầu thuốc", TS-BS Nguyễn Tri Thức nói.

Quy định giá trang thiết bị y tế

Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cảm thấy băn khoăn nhất là giá trang thiết bị y tế dù đấu thầu chỉ cần 1 báo giá (bỏ quy định 3 báo giá).

"Hiện giá trang thiết bị y tế còn nhiều bất cập, mong muốn quản lý giá phải rõ ràng, để tránh rủi ro mắc phải khi không biết. Còn ai tiêu cực thì xử lý rõ ràng", TS-BS Nguyễn Tri Thức kiến nghị.

Mặc dù Nghị định 07/2023 quy định là doanh nghiệp phải niêm yết giá và bệnh viện đấu thầu chỉ cần 1 báo giá. Nhưng, 1 báo giá đó có đúng hay không? Sau khi bệnh viện mua thì giá đó có phù hợp với giá niêm yết trong trường hợp giá niêm yết ra sau? Báo giá đó gấp bao nhiêu lần giá hải quan thì làm sao biết được? Điều này gây khó khăn cho nhà quản lý bệnh viện.

"Hiện nay đa số trang thiết bị y tế chưa niêm yết giá, gây khó khăn cho mua sắm vì yêu cầu mua không cao hơn giá niêm yết. Thí dụ mua bóng đèn cho máy CT-Scanner cấp cứu, mua khẩn cấp khi chưa có niêm yết giá, sau khi máy chạy rồi, niêm yết giá ra sau là thấp hơn giá lúc mua thì bệnh viện không trả lời được. Do đó, bắt buộc niêm yết giá, công khai giá", TS-BS Nguyễn Tri Thức nói.

Mặt khác, cần quy định trang thiết bị y tế được mua bán qua bao nhiêu trung gian.

Ngoài ra, người đứng đầu Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị nên có quy định rõ về gói bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị y tế hiện đại cao cấp và gần như độc quyền. Hệ thống máy cao cấp như máy xạ trị là độc quyền, về sửa chữa thì chỉ có kỹ sư của hãng mới làm được, nên hiện đấu thầu gói bảo trì, bảo dưỡng rất khó, rất dễ bị quy vào chỉ định thầu.

Bệnh viện Chợ Rẫy sửa xong máy CT-Scanner cấp cứu, 3 máy xạ trị, 2 máy MRI - Ảnh 6.

Máy CT chụp cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy được sửa xong đi vào hoạt động ngày 22.3 sau 2 tháng bị hư hỏng

DUY TÍNH

Cần quy định như thế nào là tình huống khẩn cấp trong y khoa?

TS-BS Nguyễn Tri Thức kiến nghị Quốc hội khi sửa luật Đấu thầu thì nên chia hàng hóa y tế là nhóm hàng hóa đặc biệt, không thể nào định nghĩa chung như các hàng hóa khác.

"Nên có chương đấu thầu riêng dành cho y tế và nên quy định rõ ràng như thế nào là tình huống khẩn cấp trong y khoa để nhà quản lý bệnh viện mua sắm khẩn cấp. Như ngộ độc Botulinum ở Quảng Nam là tình huống khẩn cấp, nếu không có thuốc quý hiếm của Bệnh viện Chợ Rẫy đưa ra thì các bệnh nhân sẽ khó vượt qua", TS-BS Nguyễn Tri Thức nói.

Và trong thời gian chờ sửa luật Đấu thầu, theo TS-BS Nguyễn Tri Thức thì có thể Quốc hội ra nghị quyết tạm thời cho phép các bệnh viện giải quyết các vấn đề cấp bách để dễ dàng mua sắm và tránh được tiêu cực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.