Bệnh viện Chợ Rẫy đã có thuốc chống thải ghép cho bệnh nhân ghép thận

06/05/2022 15:02 GMT+7

Sau khi hết thuốc chống thải ghép cho bệnh nhân ghép thận tham gia bảo hiểm y tế, Bệnh viện Chợ Rẫy đã nhanh chóng mua để cung cấp cho bệnh nhân. Thực tế, số bệnh nhân sau ghép thận đến khám Bệnh viện Chợ Rẫy tăng 25%.

Giải quyết tình trạng thiếu thuốc chống thải ghép cho bệnh nhân ghép thận

Ngày 6.5, bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, Bệnh viện Chợ Rẫy hiện đã có đủ thuốc chống thải ghép cho bệnh nhân ghép thận tham gia bảo hiểm y tế.

Bệnh nhân lãnh thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy

DUY TÍNH

Theo đó, sau khi hết thuốc cho bệnh nhân ghép thận có bảo hiểm y tế, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy xác định đây là tình trạng khẩn cấp và đã triệu tập Hội đồng khoa học kỹ thuật, Hội đồng thuốc điều trị, hệ thống đấu thầu và các bộ phận liên quan, tìm phương án giải quyết để có thuốc sớm nhất.

Đến ngày 6.5, Bệnh viện Chợ Rẫy đã mua vượt 20% (so với số lượng thuốc trước đây - PV) một trong số các loại thuốc bị thiếu theo hình thức chỉ định thầu. Ngoài ra, 4 loại còn lại cũng được tổ chức mua sắm theo hình thức chỉ định thầu, sau đó, tiến hành đấu thầu rộng rãi theo quy định. “Đến giờ phút này, chúng tôi đã giải quyết được tình trạng thiếu thuốc chống thải ghép. Từ nay về sau sẽ đủ thuốc cho người bệnh bảo hiểm y tế”, bác sĩ Phạm Thanh Việt khẳng định.

Kiến nghị có hướng giải quyết quyền lợi chính đáng cho người bệnh phải mua thuốc bên ngoài

Đối với với những bệnh nhân đã phải mua thuốc bên ngoài với chi phí rất cao, Bệnh viện Chợ Rẫy đã có văn bản gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội để có hướng giải quyết quyền lợi chính đáng cho người bệnh. Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã hỗ trợ chi phí đối với người ghép thận là bệnh nhân nghèo hoặc cận nghèo trong thời gian bệnh viện hết thuốc.

Bác sĩ Phạm Thanh Việt cũng cho biết thêm, việc mua sắm thuốc trong cơ sở y tế công lập phải thực hiện theo các hình thức đấu thầu theo quy định. Nhưng thỉnh thoảng có xảy ra một số trường hợp khách quan, thuốc không trúng thầu được. Ví dụ không có đơn vị tham gia đấu thầu, đấu thầu không đạt do hồ sơ hoặc vượt giá… Khi đó bệnh viện cũng không thể cung ứng được thuốc theo quy định và người bệnh có bảo hiểm y tế phải đi mua bên ngoài.

Theo bác sĩ Việt, trước năm 2018, Bảo hiểm xã hội có thanh toán lại trực tiếp cho người bệnh mua thuốc. Sau đó, thay đổi thành Bệnh viện Chợ Rẫy thanh toán cho người bệnh và Bảo hiểm xã hội thanh toán lại với bệnh viện. Các bên thực hiện đều theo đúng quy định, nhưng đúng quy định hết thì cũng rất thương cho người bệnh vì đây là quyền lợi chính đáng của họ.

Trước đó, bệnh nhân ghép thận có bảo hiểm y tế phản ánh Bệnh viện Chợ Rẫy hết thuốc ức chế miễn dịch - chống thải ghép, họ phải ra ngoài mua và tự chi trả. Các thuốc gồm Advagraf 5 mg và Advagraf 1 mg; Advagraf 0,5 mg; Cellcept 500 mg. Đây là những thuốc đắt tiền, có giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng/viên, thuộc danh mục bảo hiểm y tế. Những loại thuốc này thuộc danh mục đấu thầu quốc gia nhưng chưa đàm phán được giá và đã giao về cho các bệnh viện đấu thầu, tuy nhiên, vẫn không kịp cho bệnh nhân.

TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết thêm, trong mùa dịch Covid-19, các bệnh nhân sau ghép thận sợ bệnh ảnh hưởng nên đã tập trung vào TP.HCM (kể cả Việt kiều) và đến khám ngoại trú tại Bệnh viện Chợ Rẫy tăng lên 25%. Nếu như bệnh nhân không tăng thì thuốc tại bệnh viện có thể sử dụng đến tháng 7.2022. Hiện Bệnh viện Chợ Rẫy khám ngoại trú cho khoảng 1.500 người sau ghép thận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.