Chương trình đào tạo do Hội Thận học Thế giới và Hội ghép tạng Thế giới phối hợp cùng Hội ghép tạng Việt Nam tổ chức từ ngày 12-13.12 tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Chương trình đã nhận sự quan tâm, tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ghép tạng trên thế giới. Tại sự kiện, 20 bài báo cáo được các chuyên gia hàng đầu trên thế giới và trong nước trình bày liên quan đến cách thức triển khai, vận hành, giám sát hiến ghép tạng được thay đổi, bổ sung và cập nhật mới…
Thông qua chương trình đào tạo, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Tri Thức bày tỏ hy vọng sau khi học tập kinh nghiệm từ các nước tiến bộ, Bệnh viện Chợ Rẫy với vai trò là Trung tâm đào tạo khu vực Châu Đại Dương và Đông Nam Á của Hội thận học thế giới sẽ xây dựng và phát triển chương trình ghép mô - tạng từ người hiến chết não và ngừng tuần hoàn của Bộ Y tế tại Việt Nam đồng bộ trong tương lai. Điều này giúp cho bộ máy vận hành liên quan đến các hoạt động điều phối hiến và ghép tạng được mở rộng mạng lưới thuận lợi, tiết kiệm chi phí, nguồn nhân lực và theo kịp sự phát triển trên thế giới.
Đến thời điểm hiện tại, thông qua cổng đăng ký hiến mô - tạng tại TP.HCM (với sự tham gia thực hiện giữa 3 bệnh viện: Chợ Rẫy, Thống Nhất, Nhi đồng 2 trong phạm vi đề tài nghiên cứu Sở Khoa học công nghệ TP.HCM), Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận được gần 45.000 đơn (chiếm 60% tổng số đơn trên cả nước) đăng ký hiến tạng (nếu chẳng may qua đời) từ người dân trên cả nước.
Ghép tạng là một trong những thành tựu tiến bộ của y học. Ghép tạng đã giúp cho nhiều bệnh nhân thoát khỏi bản án tử hình do suy tim, suy thận, suy gan... Đến nay, đã có nhiều bộ phận của cơ thể con người được ghép thành công như thận, tim, phổi, tụy, giác mạc, gan, ruột non... Tính đến nay, Việt Nam đã thực hiện ghép hơn 7.500 ca ghép tạng thành công.
Theo thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy, trong 30 năm qua bệnh viện đã thực hiện hơn 1.100 ca ghép tạng thành công.
Bình luận (0)