Bệnh viện còn sơ hở rất nhiều trong chống Covid-19, Hà Nội họp khẩn

07/04/2020 21:02 GMT+7

Trước việc bệnh nhân 243 lại khiến nhiều y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội phải cách ly, chiều 7.4, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu Sở Y tế gửi công điện đến các bệnh viện của TP.

Chỉ đạo tại cuộc họp đột xuất của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội chiều 7.4, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền gửi công điện đến các bệnh viện, yêu cầu rút kinh nghiệm việc thăm, khám bệnh nhân trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành.
Bộ Y tế đã có công điện rồi; trên địa bàn TP đã có bài học từ Bệnh viện Hồng Ngọc (bệnh nhân 17 đến khám làm 21 y, bác sĩ phải cách ly và bệnh viện bị phong tỏa 14 ngày - PV), nhưng các trận tuyến bệnh viện còn sơ hở rất nhiều, nên bắt buộc các bệnh viện trên địa bàn TP phải tổ chức đến sàng lọc trước khi thăm khám đối với tất cả các bệnh nhân ở bệnh viện”, ông Chung yêu cầu.

Cập nhật sáng 8.4: Công bố bệnh nhân thứ 250 và 251 mắc bệnh Covid-19

Theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Chỉ thị 05 của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, với các bệnh nhân nặng, mỗi gia đình được phép có 1 người vào trông nom, tuyệt đối không được phép thăm bệnh.
Ông Chung cũng yêu cầu các bệnh viện phải kiểm soát chặt bệnh nhân, phải đo thân nhiệt, khai báo y tế. Tất cả những người có yếu tố liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai (có đến Bạch Mai từ 10.3 đến 28.3), có yếu tố liên quan đến có người về từ nước ngoài, bị cách ly tập trung, đi du lịch trong nước trước ngày 30.3 đều phải lấy mẫu xét nghiệm; phải tổ chức lối đi riêng và bảo vệ cho các nhân viên y tế.
“Mới có 3 bệnh nhân - bệnh nhân 17, bệnh nhân 237, bệnh nhân 243, mà Bệnh viện Hồng Ngọc đã có 21 bác sĩ, y tá phải cách ly, phong tỏa bệnh viện; Bệnh viện Đức Giang có 18 y bác sĩ phải cách ly; Bệnh viện Việt Pháp có 22 y bác sĩ; Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư có 45 y bác sĩ và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội 17 y, bác sĩ, chưa kể đến 4 y, bác sĩ của Bệnh viện E đến cấp cứu tại Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư. Đây là lỗ hổng và là ý thức liên quan đến phòng chống dịch, phải được giám đốc các bệnh viện phổ biến, các y, bác sĩ không được chủ quan”, ông Chung yêu cầu.
Biểu dương các quận, huyện đã làm rất quyết liệt trong chống dịch, ông Chung vẫn yêu cầu nhìn lại xem còn gì đang khiếm khuyết thì chấn chỉnh lập tức, vì lúc này, hơn lúc nào hết, phải nâng cao tinh thần cảnh giác, “rà soát triệt để, không được bỏ sót bất cứ một trường hợp nào liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai”.

Bộ Y tế ra thông báo khẩn về lịch trình bệnh nhân thứ 243

Hà Nội mới nhận được 14.000 xét nghiệm nhanh

Dù Hà Nội chủ trương xét nghiệm nhanh trên diện rộng và nhiều quận, huyện đã đề xuất được mở những trạm xét nghiệm dã chiến, do nhu cầu của người dân cũng rất lớn, nhưng theo thông tin của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, hiện Hà Nội mới nhận được 14.000 test nhanh. Theo dự kiến từ trước đó, Hà Nội sẽ có 125.000 test nhanh vào ngày 2.4.
Nguyên nhân của chậm trễ, theo ông Chung, là do 121 nước trên thế giới đang mua test này của Hàn Quốc, nên việc cung cấp cho Việt Nam có chậm hơn so với kế hoạch.
“Chúng ta đang phải thông qua Đại sứ quán Hàn Quốc, cố gắng đến ngày 14.3, chúng ta mới nhận đủ số của Hà Nội là 105.000 test. Test này đã được Hàn Quốc sử dụng rộng rãi trong vòng 1 tháng vừa qua”, ông Chung cho biết.
Toàn bộ số test này do Bộ Y tế nhập khẩu, chỉ những test do Bộ Y tế nhập mới được phép sử dụng để xét nghiệm cho người dân.
Cho đến thời điểm này, chưa một trường hợp mắc Covid-19 nào được phát hiện thông qua test nhanh (tuy đã phát hiện hơn 30 trường hợp dương tính với test, nhưng sau khi xét nghiệm lại bằng phương pháp Realtime - PCR để tìm virus SARS-CoV-2, đều cho kết quả âm tính).
Tuy nhiên, kết quả âm tính cũng chưa phải đã yên tâm hoàn toàn, bởi đã có một số ví dụ bệnh nhân âm tính 1, 2 lần, sau đó mới cho kết quả dương tính. Do đó, ông Chung vẫn yêu cầu đưa các trường hợp F1 đi cách ly tập trung để giảm nguy cơ.
“Tại khu cách ly tập trung Đại học FPT, chúng ta phát hiện 3 trường hợp xét nghiệm lần đầu âm tính, lần 2 mới cho kết quả dương tính, nên tất cả trường hợp F1 khi hết thời hạn 14 ngày cũng phải lấy mẫu xét nghiệm khẳng định lại thì lúc đó mới yên tâm được, chứ không vẫn có thể lọt”, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu.
Do đó, với các bác sĩ đã được xét nghiệm âm tính lần đầu tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội hay Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư (tiếp xúc với bệnh nhân 237 và bệnh nhân 243), ông Chung vẫn yêu cầu cách ly trước khi có thể lấy mẫu xét nghiệm tiếp theo.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.